Tin tức

Nhiều địa phương, doanh nghiệp còn thờ ơ dù EVFTA nhiều cơ hội

15/10/2021

Hiện mới có 38/63 tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU. Nhiều tỉnh, thành hiện nay vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang thị trường EU dù Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu.

Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội Báo cáo về việc thực hiện EVFTA. Trong đó nêu rõ, sau 1 năm thực thi EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020-PV), trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đạt được những kết quả tích cực bất chấp nhiều khó khăn và trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 32,4 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính riêng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,81 tỷ USD, tăng 17% so với 7 tháng đầu năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép.

Về góc độ thu hút đầu tư, báo cáo nêu rõ, một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như: Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp - Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển)….

Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm…

Dự báo, dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao.

Chính phủ đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực thi EVFTA vẫn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước EU như dệt may, cà phê, sản phẩm sắt thép… ghi nhận tỷ lệ cấp mẫu Giấy chứng nhận xuât xứ hàng hoá (C/O) EVFTA còn tương đối khiêm tốn. 7 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ cấp C/O đối với dệt may khoảng 15,7%, đối với cà phê và sắt thép khoảng 9%.

Đáng chú ý, hiện mới có 38/63 tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU. Nhiều tỉnh, thành hiện nay vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang thị trường EU. Có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang các nước EU còn tương đối khiêm tốn.

Do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA chưa thể triển khai theo kế hoạch thực hiện đã đề ra, đồng thời phải chuyển sang hình thức trực tuyến nên ảnh hưởng phần nào tới hiệu quả của các hoạt động này.

Công tác triển khai tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp tại một số địa phương vẫn còn được thực hiện mang tính hình thức, phong trào.

Đánh giá chung, sự quan tâm của một bộ phận doanh nghiệp còn chưa nhiều. Cụ thể, các khóa đào tạo trực tuyến cũng chưa ghi nhận nhiều doanh nghiệp đăng ký dù đã được thông báo rộng rãi thông qua các Sở tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài các yếu tố trên, báo cáo của Chính phủ cũng đề cập tới khía cạnh tình hình tiếp cận hoặc sử dụng các nguồn thông tin về thị trường, các biện pháp kỹ thuật, quy định xuất nhập khẩu từ các Đại sứ quán, Thương vụ của Việt Nam ở các nước EVFTA đã có tiến triển tích cực.

Tuy nhiên, thời gian tới cơ chế kết nối giữa các tỉnh, thành với các bộ, ngành và hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cần tiếp tục được đẩy mạnh để đạt hiệu quả cao hơn nữa, không chỉ với các nước EVFTA mà cả các nước có FTA khác.

Nguồn: Báo Hải quan Online