Tin tức

Ukraine đề xuất một FTA song phương với Việt Nam

27/01/2021

Ukraine đề xuất sớm cùng với Việt Nam hoàn thiện nghiên cứu khả thi về thiết lập một FTA song phương với hững ưu đãi đặc biệt về thuế quan, tạo thuận lợi về thương mại, đầu tư.

Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Cộng hòa Ukraine vừa tổ chức Khóa họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ukraine về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật bằng hình thức trực tuyến.

Thông tin từ Khóa họp, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9 năm 2020), đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực vận tải kho bãi; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực khoa học công nghệ...

Việt Nam hiện có 6 dự án đầu tư tại Ukraine  với tổng vốn đầu tư gần 4 triệu USD, phần lớn do doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại đây đầu tư vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, bao bì, carton, nhà hàng.

Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Ukraine đang trên đà tăng trưởng khá, tuy nhiên, giá trị tuyệt đối vẫn còn ở mức thấp.

Cụ thể, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ukraine đạt 284,8 triệu USD (tăng 15,04%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 193,5 triệu USD (tăng 58,81%), tổng kim ngạch đạt 478,33 triệu USD (tăng 29,48%).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đặng Hoàng An, trong số các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng thương mại thời gian tới,  hai bên nỗ lực hợp tác trong việc tạo khung khổ pháp lý thuận lợi hóa song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giúp cho hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, thịt, hoa quả tươi... được tiếp cận Ukraine một cách dễ dàng hơn và tương tự, các mặt hàng như ngũ cốc, thịt, sữa… của Ukraine xuất khẩu sang Việt Nam.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, Khóa họp cũng đã dành nhiều thời gian cho thảo luận về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là chế biến sâu các sa khoáng ven biển (chế biến sâu quặng Inmenit, Zircon, Monaxit).

Phía Việt Nam đề nghị Ukraine giới thiệu đối tác để tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim Việt Nam (Vimluki) trực tiếp trao đổi về cách thức thành lập và thảo luận về kế hoạch hoạt động của phòng thí nghiệm. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Hưng thịnh, Tập đoàn GFS... đã có quan hệ hợp tác với các đối tác của Ukraine và đang mong muốn thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ để hỗ trợ thúc đẩy có quan hệ hợp tác một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Để thúc đẩy thương mại song phương, tận dụng các tiềm năng hợp tác sẵn có, theo đề nghị từ Thứ trưởng Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ukraine, Taras Kachka: " Cần có cơ chế của một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai nước, với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan. Do vậy, Ukraine đề xuất cần sớm hoàn thiện nghiên cứu khả thi về thiết lập một FTA song phương, trên cơ sở nghiên cứu chung mà hai nước đã thực hiện vào năm 2014".

Thứ trưởng Taras Kachka cũng nhấn mạnh, trọng tâm thương mại trong năm 2021, Ukraine mong muốn thúc đẩy hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình dương, đồng thời kỳ vọng sẽ đẩy nhanh đàm phán FTA với Trung Quốc, Indonesia và với Việt Nam, được coi là cầu nối hợp tác với khu vực Đông Nam Á.

Nguồn: Báo Đầu tư