CPTPP và Hoạt động XDPL: Các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã thực hiện trước khi CPTPP có hiệu lực

17/11/2021    75

Từ góc độ pháp lý, đối với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay, hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi các cam kết này của Hiệp định này phải được thiết lập và sẵn sàng đưa vào thực hiện cùng thời điểm này.

Trên thực tế các hoạt động XDPL thực thi CPTPP của Việt Nam có thể đã được thực hiện cả trong khoảng thời gian trước khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi CPTPP (trước 14/1/2019) và sau thời điểm này.

Tuy nhiên, xuất phát từ các lý do kỹ thuật và pháp lý cụ thể của Việt Nam, việc xếp các hoạt động XDPL thực hiện trước thời điểm 14/1/2019 vào diện hoạt động “nội luật hóa” CPTPP có thể là không thích hợp. Do đó, trong khuôn khổ Rà soát này, việc rà soát chỉ tiến hành với các hoạt động XDPL thực hiện sau khi CPTPP có hiệu lực.

Các hoạt động XDPL trước khi CPTPP có hiệu lực

Theo dõi các hoạt động xây dựng pháp luật của Việt Nam trong giai đoạn đàm phán, ký kết TPP - CPTPP, đặc biệt trong khoảng 2014-2018, cho thấy Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện việc “nội luật hóa” các cam kết CPTPP trước khi Hiệp định này ràng buộc Việt Nam. Việc này được thực hiện thông qua một hoặc các cách thức sau:

  • Đưa một số các nội dung cam kết đã đạt được sự thống nhất chung, ổn định, phù hợp với định hướng pháp luật Việt Nam vào các dự thảo VBQPPL được soạn thảo và ban hành trong thời gian đàm phán TPP-CPTPP (ví dụ một số quy định trong Luật Đấu thầu 2014, Luật Hải quan 2015, Luật Đầu tư 2015, Luật Doanh nghiệp 2015, Bộ luật hình sự 2017…);
  • Chuyển các cam kết trong Văn kiện Hiệp định CPTPP vào các dự thảo VBQPPL được soạn thảo và ban hành trong thời gian liền trước khi Quốc hội phê chuẩn CPTPP (ví dụ các quy định liên quan trong Luật Tố cáo 2018, Luật Phòng chống tham nhũng 2018…)

Việc xếp các hoạt động XDPL trong giai đoạn 2010-2018 có nội dung “tương tự” cam kết CPTPP vào nhóm hoạt động pháp luật thực thi CPTPP không thật phù hợp bởi:

  • Về mặt pháp lý, phần lớn các hoạt động XDPL này khi thực hiện đều là các hành động đơn phương của Việt Nam (do đàm phán chưa kết thúc, văn kiện TPP/CPTPP chưa ký/phê chuẩn…);

Về mặt nội dung, việc một số quy định có nội dung “tương tự” cam kết CPTPP có thể xuất phát từ nhiều lý do (ví dụ cùng sử dụng chung tiêu chuẩn, theo thông lệ quốc tế hiện đại, theo mục tiêu cải cách tự thân của Việt Nam…), vì vậy sẽ rất khó khăn trong việc phân biệt đâu là các quy định vốn được đưa vào pháp luật Việt Nam để “thực thi sớm” CPTPP, đâu là các quy định xuất phát từ nhu cầu nội tại của Việt Nam.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập