Sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam đang còn nhiều hạn chế. 

Hội thảo “Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu: Doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì?” do Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương phối hợp cùng Dự án Mutrap III tổ chức sáng nay (28/7) tại Hà Nội nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng có được đầy đủ thông tin về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành mình, từ đó có bước chuẩn bị một cách chủ động và thích hợp để đối phó với hàng hoá nhập khẩu, duy trì và bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã từng “làm quen” với việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (TRms) của nước ngoài. Trong đó có những vụ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta như vụ giày mũ da, xe đạp xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU), vụ cá tra-basa, tôm đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Bên cạnh việc phải đối phó với những vụ kiện TRms của nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá trên thị trường nội địa còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hoá ngoại nhập ngay trên thị trường Việt Nam. Trong quá trình xâm nhập thị trường Việt Nam, phía nước ngoài không loại trừ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, bán hàng hoá được trợ cấp hoặc lợi dụng thời cơ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, gây thiệt hại hoặc đe doạ sự tồn tại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, dẫn đến nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” của các doanh nghiệp trong nước.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mình trên thị trường nội địa trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên kiêm Giám đốc Dự án EU - Việt Nam MUTRAP III, thực tế hiện nay, hiểu biết của các Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về quyền được sử dụng, các thủ tục, phương pháp và kỹ năng cần thiết để sử dụng các công cụ này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu còn nhiều hạn chế. 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng vệ thương mại. Ông Vũ Bá Phú- Phó Cục trưởng Cục quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết, Biên độ bán phá giá là khoảng chênh lệch có thể tính được giữa giá thông thường của hàng hóa so với giá xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam. Đối với hàng hóa được nhập khẩu trực tiếp vào Việt Nam, doanh nghiệp cần so sánh giá hàng hóa tương tự bán trên thị trường nước xuất khẩu, giá hàng hóa tương tự bán trên thị trường nước thứ ba, giá trị tính toán dựa trên các cơ sở hợp lý. Trường hợp hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua một nước thứ ba thì sẽ so sánh với giá của hàng hóa liên quan tại nước xuất khẩu, giá của hàng hóa liên quan tại nước, vùng lãnh thổ xuất xứ (hàng hóa chỉ đơn thuần chuyển cảng qua nước thứ ba). 

Theo ông Phú, khi nhận thấy hàng nhập khẩu có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần liên hệ với Cơ quan chống bán phá giá trực thuộc Bộ Công Thương để yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu..

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử