Thực hư lợi ích từ ngày gia nhập WTO còn phải hội thảo nhiều. Nhưng cùng mở cửa, bên ngoài họ mạnh thành ra dễ người, còn phía ta vẫn yếu hóa ra khó ta.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đánh dấu việc hoàn thành cơ bản lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là thành quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển và chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng, đa phương hóa các quan hệ quốc tế. 

Hình ảnh quốc kỳ tại trụ sở WTO thật giàu cảm xúc. Gương mặt đoàn đàm phán rạng ngời, tự tin trước các đối tác sừng sỏ, sau khi đã hoàn tất khối lượng công việc khổng lồ. Hạn ngạch hàng dệt may được dỡ bỏ. Bộ phận điều hành dệt may thất nghiệp. Cơ quan chống tham nhũng thở phào.

Với việc nhập khẩu, Việt Nam cũng bỏ bớt hạn ngạch, lệnh cấm, hạ thuế quan. Ôtô nguyên chiếc, xe máy phân khối lớn, thiết bị nghe nhìn hiện đại, nội thất sang trọng, điện thoại di động nhiều chức năng…tiến quân vào. Giá có mắc chút đỉnh, nhưng tiền nào của ấy. Đời sống lớp người nhiều tiền như được bay lên. 

Hàng trăm cuộc họp ở nước ngoài, người đi họp nhiều. Người đi khảo sát, học tập kinh nghiệm hội nhập nhộn nhịp không kém, nhất là vào cuối năm. Nhiều hiệp định mậu dịch tự do mới. Nhiều cuộc viếng thăm được kết thúc bằng các cam kết nâng quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế vốn đã nồng ấm, lên tầm cao mới, đối tác chiến lược, toàn diện, ưu tiên, thỏa thuận đưa kim ngạch mậu dịch hai chiều tăng hàng tỷ đôla trở lên, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.

Đang lâng lâng với những đổi thay chóng mặt, chợt khựng lại vì:

Kỳ vọng gia nhập WTO sẽ không bị phân biệt đối xử, song từ 2007 đã có thêm 11 vụ kiện. Năm 2007: 3 vụ, 2008: 3 vụ, 2009: 4 vụ, mở hàng 2010: 1 vụ. Những vụ kiện trước đây chỉ bị riêng phần chống bán phá giá, với vụ kiện túi nhựa từ phía Mỹ, lần đầu tiên ta vừa bị kiện là bán phá giá vừa bị kiện về trợ cấp.

Cá ba sa được “lãnh án” chống bán phá giá của Mỹ ngay thời điểm hai nước ký Hiệp định thương mại song phương, giờ đây phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật bởi Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Mỹ vừa đưa ra quyết định kéo dài việc xem xét các quy định về thanh tra an toàn thực phẩm đối với các da trơn (catfish) do Bộ Nông nghiệp Mỹ đề xuất. Nếu quyết định này được thông qua thì cá tra, cá basa của Việt Nam sẽ phải chịu kiểm tra nghiêm ngặt tới mức khó kham nổi vì chi phí tiền bạc, thời giờ quá lớn. 

Đến con tôm, Hải quan Mỹ buộc các nhà nhập khẩu tôm từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá phải ký quỹ một khoản tiền tương đương với giá trị nhập khẩu trong vòng một năm nhân (X) với mức thuế chống bán phá giá. 

Việc áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp xuất khẩu sang EU từ năm 2005, khiến tỷ lệ xuất khẩu của mặt hàng này trước khi bị áp thuế là 80% thì 3 năm qua 2007 - 2009 liên tục giảm còn 30% - 20% - 15%. May thay là đến 15/7/2010, lệnh hết hiệu lực. 

Bước vào năm 2010, được EU gia hạn lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với giầy mũ da, dù ta đã tha thiết dãi bày, hùng hồn phản kháng.

Những việc tương tự chắc còn đeo bám vì các bên khởi kiện thừa biết đến 31/12/2018 Việt Nam mới hoàn thiện các yếu của một nền kinh tế thị trường, nhưng họ vẫn thản nhiên lấy các tiêu chí của các nước có nền kinh tế thị trường để so sánh, nên có tới 70% các vụ ta thua kiện. 

Đã có đàm tiếu: cạnh tranh của ta nên gọi là “chỉ thua”. 

Ba năm qua vẫn là nền xuất khẩu “hàng xén”. Cái gì cũng có nhưng mỗi thứ không có nhiều, lại rải ra khắp hoàn cầu. Thứ có số lượng nhiều lại lắm người bán. Thái Lan xuất khẩu gạo luôn vượt ta về nhiều mặt, nhưng chỉ có 14 đầu mối, còn Việt Nam có tới 205 doanh nghiệp tham gia. Thủy sản trên 400 xí nghiệp chế biến và xuất khẩu. Cà phê số đầu mối tới hàng trăm. Xuất khẩu năm 2009 sa sút, 3 tháng đầu năm 2010 chật chưỡng; nhập khẩu tăng, nhập siêu lớn về giá trị, cao về tỷ lệ, nên việc thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 72,5 tỷ USD vào năm 2010 và tiến tới cân bằng xuất khẩu – nhập khẩu vào những năm đầu sau năm 2010 trong Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006 -2010, là khó.

Là nước có số dân đứng thứ 13 thế giới, song về kinh tế xếp thứ 171. Trong khu vực Đông Nam Á, thứ hạng xuất khẩu của Việt Nam vẫn “bám trụ” vị trí thứ năm với tổng kim ngạch vẫn ở số hàng chục tỷ USD, còn nước đứng thứ tư là Indonesia đã ở số hàng trăm.

Thực hiện cam kết, Việt Nam đã có quyết định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc, từ 3/7/2010 giảm thuế đối với thịt cừu, trâu, bò, heo, cá, hoa quả của Hàn Quốc nhập vào Việt Nam. Trong khi đó dù có hiệp định đối tác toàn diện Việt – Nhật (VJEPA), song các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đang phải chịu nhiều mức thuế cao và khác biệt với Thái Lan, Indonesia, Maylaysia… vì các nước này ký hiệp định với Nhật Bản trước Việt Nam. 

Từ ngày 1/1/2009, Việt Nam mở cửa cho các hãng phân phối 100% vốn nước ngoài vào. Thực ra họ đã nhanh nhảu vào từ nhiều năm trước bởi đây là thị trường bán lẻ hấp dẫn, nay chỉ là chính thức hóa, bớt công xin xỏ. Ganh đua với họ, nhiều đại gia cũng mở siêu thị xếnh xáng. Song ngần ấy chưa khỏa lấp được hình ảnh đặc trưng của nền bán lẻ Việt Nam: bám mặt phố, chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường, với chợ cóc, chợ tạm, nhếch nhác, mặc kệ sinh mạng của “thượng đế” 

Việc thua trên sân nhà đã rõ, phần vì tỷ lệ hài lòng về hàng nội rất thấp. Theo khảo sát mới đây của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ hài lòng về chất lượng 2,2%, về mẫu mã 1,8%, về đa dạng sản phẩm là 7,6%. Phần vì người Việt ngày càng mến yêu hàng ngoại. Dùng thịt thà, rau quả, bánh trái, đồ uống, trang sức…nhập khẩu như một sự tất yếu của cuộc sống. Chữa bệnh, học hành, hưởng tuần trăn mật ở nước ngoài. Nghỉ lễ, ăn Tết dài ngày cũng ra ngoại quốc, khỏi lo dịch vụ chặt chém. 

Gạch ốp lát Trung Quốc thắng trận thứ nhất cách đây khoảng chục năm vì giá rẻ bất ngờ. Lần này họ lại chiến thắng dù giá không rẻ, nhưng kích thước rộng, độ bóng lớn, độ ánh cao. 

Đầu tư nước ngoài (FDI) từng được đánh giá tạo ra sung lực cho sự phát triển của kinh tế, nay càng kỳ vọng vì “Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn”. Thảm đỏ trải rộng dài thêm, song nhìn dòng vốn ngoại lai này từ cuối năm 2006 buộc phải lưu tâm. Quy mô dự án tăng mạnh, bình quân từ 12,2 triệu USD năm 2006, lên 13,8 triệu USD năm 2007, vọt lên 53,3 triệu USD năm 2008. Nhưng tỷ lệ vốn giải ngân so với số vốn đăng ký là giảm nhiều. Có doanh nghiệp FDI tiếp tục thủ thuật “chuyển giá” vào giá vật tư, máy móc mang vào hoặc tăng chí phí trung gian… dẫn đến quyết toán lỗ giả, vừa né thuế, vừa thu lãi thật.

Vào WTO để nâng cao sức cạnh tranh, nhưng kết quả thế nào còn phải bàn. Song điều ai cũng rõ muốn cạnh tranh phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Muốn có chất lượng phải được chế biến từ nền công nghệ tiên tiến và quản lý tiên tiến. Nhưng thực tế nền công nghiệp của chúng ta chỉ chủ yếu là gia công, lắp ráp. Doanh nghiệp vẫn phải cõng nhiều gánh nặng về lãi suất vay, chi phí trên đường, tại kho bãi, lúc xuất cảnh, tài trợ, đãi đằng… 

Cố tìm ví dụ để minh chứng cho sự thăng tiến của công nghiệp nước nhà từ sau khi gia nhập WTO thì được tin: Đã có đề nghị sẽ tiếp tục đánh thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm ôtô, linh kiện trong nước đã sản xuất được đến hết năm 2018. Hóa ra 10 năm qua, các nhà sản xuất trong nước nhận được ưu đãi về mọi mặt, nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn đạt rất thấp, nên mởi nảy ra sáng kiến này. Hiệu quả vốn đầu tư so với GDP đang giảm trong khi hệ số ICOR lớn dần, cũng chứng tỏ hiệu quả đầu tư giảm. 

Thực hư lợi ích từ ngày gia nhập WTO còn phải hội thảo nhiều. Nhưng cùng mở cửa, bên ngoài họ mạnh thành ra dễ người, còn phía ta vẫn yếu hóa ra khó ta. Gia nhập WTO, tự do hóa thương mại toàn cầu, cạnh tranh quốc tế là thế. 

Nguồn: VnExpress