Ngành sản xuất, kinh doanh xe đạp của Việt Nam đã lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc phải chuyển đổi loại hình sản xuất.

Ngày 15/7 tới đây, thuế chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu (EC) đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trườAng Liên minh châu Âu (EU) sẽ hết hạn và EC sẽ quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ để xem xét việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này hay không.

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước EU, đặc biệt tại Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Italy - những nước có liên quan trực tiếp - đã chủ động gặp Tổng vụ Thương mại EC, Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu, các cơ quan hữu quan và hiệp hội xe đạp sở tại để vận động về việc này.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam nhấn mạnh, việc EC áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam là một quyết định sai trái, bất công và mang tính áp đặt, không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và EU.

Các cơ quan đại diện đồng thời nêu rõ việc áp thuế này đã có tác động hết sức tiêu cực đối với ngành sản xuất, kinh doanh xe đạp của Việt Nam cũng như đời sống của những người lao động, gây nhiều tác động xấu về mặt xã hội.

Do đó, Việt Nam yêu cầu EC chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá ngay sau khi quyết định này hết hiệu lực và không tiến hành rà soát cuối kỳ đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn lại thực tiễn 5 năm qua, kể từ khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam, lượng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm tới gần 50 lần, từ hơn 1 triệu chiếc năm 2005, chiếm 11,69% thị phần xe đạp nhập khẩu vào EU, xuống còn 21.421 chiếc năm 2009 với thị phần không đáng kể.

Do đó, ngành sản xuất, kinh doanh xe đạp của Việt Nam đã lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc phải chuyển đổi loại hình sản xuất.

Đặc biệt, số lượng lao động trong ngành đã giảm rõ rệt, từ 210.000 người tại thời điểm 2005 xuống còn 5.000 người vào đầu năm nay.

Trước quá trình đấu tranh kết hợp giải trình kỹ thuật của các cơ quan đại diện Việt Nam tại EU, các đối tác phía EU đã ghi nhận thông tin, thực trạng tình hình sản xuất xe đạp của Việt Nam và hứa sẽ xem xét vấn đề này trên cơ sở lợi ích của cả hai bên và tổng thể mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa EU và Việt Nam.

Nguồn: InfoTV