Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như: nguyên vật liệu, nông - lâm - thuỷ - hải sản và các mặt hàng công nghiệp.
Với hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hoá Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, sơ chế vì vậy nên giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc chưa cao dẫn đến kim ngạch thu được qua hoạt động xuất khẩu cũng chưa đạt được như mong muốn.
“Để giải quyết vấn đề nhập siêu thì chúng ta sẽ tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm nâng dần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên cao hơn tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu” - Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương) Đào Trần Nhân đã chia sẻ quan điểm về vấn đề nhập siêu bên lề hội thảo về “Cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN sáng nay (15/4) tại Hà Nội.
Xây dựng đề án giảm nhập siêu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2009 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương, đạt 4,9 tỷ USD mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hiện nay Trung Quốc đã là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì hàng Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.
Vì vậy, việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Theo Vụ trưởng Đào Trần Nhân thì vấn đề nhập siêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc hiện Bộ Công thương cũng đang rất quan tâm. Cụ thể, vừa qu Vụ châu Á – Thái Bình Dương (BCT) đã xây dựng đề án giảm nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong đó có nêu rõ những biện pháp giảm nhập siêu.
Đề án này sẽ áp dụng đối với các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng như việc đưa ra những giải pháp về mặt hàng xuất khẩu. Đề án này sẽ trình Chính phủ sau đó đưa ra một loạt các biện pháp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong việc giảm nhập siêu từ thị trường Trung Quốc.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam
Bắt đầu từ năm 2010, thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN – TQ chính thức có hiệu lực. Đây chính là cơ sở cho sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Bởi từ nay đến 2015, Việt Nam sẽ có lợi thế hàng hoá nhập khẩu sang Trung Quốc được giảm thuế từ 0 đến 5%. Đây là cơ hội rất lớn cho hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian 5 năm tới.
Và đây chính là thời gian rất quý báu để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc để giải quyết vấn đề giảm nhập siêu.
Ông Nhân cho biết, ngoài đề án giảm nhập siêu nêu trên thì vừa qua Bộ Công thương đã chính thức trao cho Trung Quốc danh sách 16 mặt hàng của Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc và đề nghị phía họ có những chính sách để giúp đỡ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu 16 mặt hàng tiềm năng này. Phía Trung Quốc cũng sẽ tạo ra những chính sách thông thoáng đối với những mặt hàng nhập khẩu này.
16 mặt hàng tập trung vào các nhóm chính như nông lâm, thuỷ sản, trái cây... Đối với mặt hàng trái cây, kể từ 1/7/2009 theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc thì sẽ có 5 loại trái cây xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại sẽ phải thực hiện việc đăng ký cơ sở sản xuất, đóng gói bao bì.
Theo đó, 5 loại trái cây là nhãn, vải, chuối, dưa hấu và thanh long sẽ được thực hiện việc đăng ký này. Và đây là quy định giữa 2 nước và các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu 5 loại trái cây này phải lưu ý hoàn thành nghĩa vụ đăng ký này.
 

Nguồn: InfoTV