Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những “rào cản” lớn khi “bước sang” thị trường EU.
Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 15,2 tỷ USD, giảm 6,67% so với năm 2008, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 9,38 tỷ USD, giảm 13,57%, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 5,83 tỷ USD, tăng 7,07% so với kim ngạch năm 2008.
Theo đó, Đức, Anh, Pháp và Hà Lan luôn là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm.
Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những “rào cản” lớn khi “bước sang” thị trường EU.
4 “rào cản” lớn
Tại hội thảo "Cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu" diễn ra  hôm qua (14/4), ông Trần Ngọc Quân, Trưởng phòng EU, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU đều gặp khó khăn.
Khó khăn thứ nhất đó là thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hoá kinh doanh của mỗi nước, mỗi vùng khác nhau, trong khi đó hàng hoá vào thị trường EU lại được lưu thông trên toàn bộ 27 nước. Như vậy, việc tạo ra một sản phẩm và đưa sản phẩm vào được một nước và phải thích ứng với 26 nước còn lại là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bởi nếu không thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chuyển từng lô hàng nhỏ vào để thích ứng với từng vùng, miền, quốc gia hay nhóm tiêu dùng. Như vậy thì hiệu quả quy mô kinh tế sẽ không cao.
Khó khăn thứ 2 mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải hiện nay đó là thị trường EU là thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích là bảo vệ tốt nhất sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Và vị vậy không thể doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật này.
Cụ thể, năm 2009, Luật Hoá chất Reach đã có hiệu lực, việc sử dụng bất kỳ hoá chất nào đều phải đăng ký và nghiên cứu tác động của hoá chất. Tuy doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu hoá chất nhưng lại sử dụng hoá chất cho hàng hoá khác, do vậy doanh nghiệp phải mua hoá chất có nguồn gốc và phải nghiên cứu tác động nên chi phí gia tăng.
Đồng thời quy định về IUU (chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý) cũng đã được áp dụng từ tháng 6/2009, yêu cầu giấy phép đánh bắt với các sản phẩm hải sản, tạo thêm thủ tục hành chính cho việc xuất khẩu.
Cùng với việc áp dụng các quy định mới trong năm 2009 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm vào nhóm hàng thuỷ sản, nông sản, mật ong, kiểm tra xuất sứ hàng Việt Nam, điều tra gian lận thương mại...
EU hiện tại vẫn đang cố gắng duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Việc tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh vào đây cũng có thể đưa đến những hậu quả không mong muốn là EU sẽ tiến hành các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá. Đây cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam bởi doanh nghiệp vừa phải tìm cách tăng cường xâm nhập thị trường và vừa phải tính ở mức độ thế nào để không phải là đối tượng của các biện pháp bảo hộ.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế năm 2008 – 2009, chủ nghĩa bảo hộ càng gia tăng tại EU. Hiện tại, một số sản phẩm của Việt Nam như giày mũ da, xe đạp, chốt cài inox vẫn bị áp thuế chống bán phá giá cao trên thị trường châu Âu.
Tháng 12/2009, trước sức ép bảo hộ sản xuất nội khối, EC đã công bố gia hạn thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam với mức thuế 10% trong vòng 15 tháng kể từ tháng 1/2010.
EU là thị trường xuất khẩu mục tiêu không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác.
Năm 2009, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, khi nhu cầu tiêu thụ giảm, nhưng nhiều nước lại chọn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu để vượt qua khủng hoảng khiến cạnh tranh tại EU ngày càng gay gắt, nhất là cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khối EU mà mạnh mẽ nhất là doanh nghiệp các nước Đông Âu mới gia nhập EU.
Những nước Đông Âu này có một số ngành hàng khá tương đồng với nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi lại được hưởng cơ chế ưu đãi thương mại nội khối.
Hơn thế, trong những năm gần đây chính sách của EU đối với Việt Nam dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn kém ưu đãi hơn chính sách nước ký kết Công ước Lomé (ACP), các nước chậm phát triển.
Đơn cử như các nước trong khối ASEAN, EU vẫn dành nhiều ưu đãi cho 5 nước phát triển nhất ASEAN là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippin. Đây là những nước được EU công nhận là có nền kinh tế thị trường mặc dù môi trường kinh tế cũng khá tương đồng với Việt Nam.
Năm 2009 là năm đầu tiên EU rút ưu đãi Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hoá thuộc mục XII của Việt Nam khiến cho ngành giày da chịu cùng lúc 3 tác động từ khủng hoảng kinh tế, thuế chống bán phá giá và không được hưởng ưu đãi GSP.
Tiếp tục những thách thức...
Theo ông Quân thì năm 2010, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU nhìn chung vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu đã qua giai đoạn tồi tệ nhất nhưng kinh tế khu vực châu Âu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nợ tài chính tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ vẫn gia tăng ở EU do kinh tế chưa được cải thiện nhiều khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Năm 2010, EU sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật, cụ thể là EU tăng cường áp dụng Luật Hoá chất Reach, quy định IUU đồng thời đang nghiên cứu triển khai Luật về Nghề rừng (Flegt).
Đồng thời EU vẫn áp dụng thuế chống bán phá giá với một số nhóm hàng từ năm 2009 và thuế chống bán phá giá xe đạp đang vào giai đoạn cuối kỳ. Và từ khi EC áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp của Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU suy giảm nghiêm trọng, mỗi năm trên 50%. Từ trị giá xuất khẩu 178 triệu USD vào năm 2004 thì hiện nay kim ngạch xuất khẩu của xe đạp chỉ còn dưới 10 triệu USD vào năm 2009.

Bên cạnh đó thì hàng hoá mục XII vẫn không được hưởng GSP, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa đạt được thoả thuận ưu đãi thuế quan nào mới với EU để tạo được bước đột phá trong quan hệ thương mại song phương.
Những thách thức này đang đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cố gắng nỗ lực vượt qua khủng hoảng. Về phía Chính phủ, Bộ Công thương cũng đang đẩy mạnh làm việc với EC về các rào cản mà Việt Nam đang gặp phải, đồng thời thúc đẩy công tác xúc tiến và phổ biến quy định cũng như cơ hội thị trường... giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này, ông Quân khẳng định.

Nguồn: InfoTV