PGS.TS. Lê Quốc Lý – Lê Văn Cương

Trong giai đoạn 2008-2009, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới bắt đầu từ năm 2007 và đang tiếp tục diễn biến ngày một phức tạp và lan rộng. Một trong những tác động rõ nhất đó là tình trạng sụt giảm của thương mại toàn cầu thể hiện ở sự sụt giảm nhập khẩu hàng loạt hàng hoá tiêu dùng và các nguyên vật liệu từ thị trường bên ngoài. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm của người lao động ở các nước, trong đó có Việt Nam.

Hội nhập kinh tế quốc tế

Mặc dù các nền kinh tế trên thế giới đang gặp khó khăn do khủng hoảng, nhưng giai đoạn 2006-2010, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng ổn định, hợp tác để cùng phát triển tác động mạnh đến sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Hơn hai năm Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, được đối xử bình đẳng trên “sân chơi chung” của thế giới. Hội nhập đem lại nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm theo hướng công nghiệp với hàm lượng vốn, tri thức cao; các rào cản pháp lý về di chuyển pháp nhân, thể nhân được nới lỏng, các quan hệ kinh tế, đối ngoại, lao động… được thiết lập tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Gia nhập WTO đã đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực lao động và việc làm, cụ thể:

Gia nhập WTO tạo điều kiện mở rộng thị phần quốc tế cho các sản phẩm Việt Nam và thúc đẩy thương mại phát triển. Việt Nam có cơ hội xuất khẩu những mặt hàng tiềm năng ra thế giới nhờ được hưởng những thành quả của các vòng đàm phán giảm thuế và hàng rào phi thuế, tăng cường tiếp cận thị trường của WTO, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng dệt may và nông sản. Cơ hội xuất khẩu bình đẳng có những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, sản xuất sẽ được mở rộng và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Tạo ra cơ hội gia tăng các giá trị tài sản vô hình cho bản thân người lao động và các doanh nghiệp thông qua các hoạt động hợp tác, chuyển giao công nghệ với các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Đó là các chuẩn mực, mô hình hệ thống tổ chức quản lý hiện đại được áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất…

Tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng nhân lực cho lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động kỹ thuật trình độ cao. Việt Nam gia nhập WTO sẽ đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, sẽ có một lượng lớn lao động nông nghiệp, thanh niên nông thôn nhàn rỗi, thiếu việc làm tham gia vào hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp, các hộ gia đình, đơn vị kinh doanh cá thể… Điều này đồng nghĩa với mang lại nhiều cơ hội thay đổi công việc và tăng thu nhập cho một bộ phận lớn lao động nông nghiệp hiện nay. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và thiết bị sản xuất và các hoạt động trao đổi chuyên gia giữa các nước với Việt Nam sẽ làm cho trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hợp tác quốc tế về lao động có cơ hội phát triển, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, để có thể làm chủ các công nghệ và thiết bị tiên tiến trên thế giới.

Tạo thêm nguồn lực vật chất cho phát triển nguồn nhân lực. Thông qua các dự án hợp tác đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam, sẽ tạo ra các nguồn tài chính dồi dào hơn cho việc đổi mới công nghệ và thiết bị của các ngành kinh tế.

Việc hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy việc thiết lập cơ cấu lao động theo định hướng thị trường. Đó là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi những lao động không có chuyên môn kỹ thuật phải được cắt giảm. Tạo điều kiện cho nhân lực lao động của nước ta tham gia sâu rộng hơn vào phân công và hợp tác lao động quốc tế. Đặt nền móng cho việc tạo việc làm một cách ổn định và bền vững.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong những năm tới lên khoảng 6,5-8,5%, đầu tư toàn xã hội năm 2009 ở mức khoảng 40% GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta vốn đăng ký khoảng trên 60 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 9 tỷ USD thì nhu cầu lao động có đào tạo trong nước sẽ rất lớn. Đối với bên ngoài, việc mở rộng hợp tác của chúng ta ngày một nhiều thì nhu cầu lao động được đào tạo xuất khẩu sẽ đáng kể.

Bên cạnh những cơ hội đó, hiện nay Việt Nam đồng thời cũng phải đương đầu với các thách thức như: nền kinh tế nước ta tuy có tăng lên nhưng vẫn còn là một trong những nước nghèo với mức GDP khoảng 1000 USD/người (năm 2008), hệ thống chính sách kinh tế-xã hội đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ, trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý có sự chênh lệch lớn so với các nước phát triển.

Hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức trong giải quyết việc làm, các doanh nghiệp có sức cạnh tranh kém, quy mô nhỏ có nguy cơ phá sản; mất việc làm, thiếu việc làm lớn trong khu vực phi chính thức; chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH… Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi các nền kinh tế lâm vào khủng hoảng thì việc làm sẽ giảm sút mạnh và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao. Do vậy, việc xúc tiến việc làm của chúng ta ra nước ngoài sẽ khó khăn hơn.

Trong quá trình hội nhập, do cơ cấu lại nguồn nhân lực cộng với lao động dôi dư từ các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá, sẽ tạo ra các áp lực lớn về việc làm cho người lao động. Một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp sẽ mất việc làm do trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Điều này gây tác động xấu về mặt xã hội, làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập…

Cạnh tranh về lao động trình độ cao sẽ ngày càng gay gắt. Hội nhập, toàn cầu hoá trở thành xu thế chung, lao động nước ngoài (đặc biệt là lao động có kỹ thuật, trình độ quản lý…) tham gia vào thị trường lao động Việt Nam nhiều hơn, đồng thời lao động của Việt Nam cũng di chuyển ra nước ngoài nhiều hơn. Cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều người lao động bị mất việc làm; tốc độ đô thị hoá nhanh, người nông dân bị thiếu việc làm hoặc mất việc làm do thiếu đất canh tác…

Ngoài việc phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, mức độ lành nghề thì các yêu cầu khác về chất lượng nguồn nhân lực đang được đặt ra như những thách thức mới. Đó là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, tác phong và văn hoá ứng xử công nghiệp, hiểu biết về luật pháp và thông lệ quốc tế… Điều này đòi hỏi lao động phải nhanh chóng học tập những cái mới, cái ưu việt, nhưng cũng cần phải loại bỏ những yếu tố không phù hợp và đi ngược lại với đạo đức và văn hoá Việt.

Sự dịch chuyển về cơ cấu lao động và di chuyển lao động tự do tới các vùng đô thị đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng, nhiều địa phương và các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Khi Việt Nam gia nhập WTO, thực trạng này còn diễn ra mạnh hơn và kéo theo nhiều tác động với mức độ lớn hơn. Hơn nữa, hội nhập kinh tế quốc tế có thể dẫn tới nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập của người lao động. Điều này góp phần làm tăng khoảng cách về quyền lợi và địa vị xã hội giữa các nhóm lao động.

Trên thực tế, tiêu chuẩn lao động của quốc tế mang tính nhân quyền cao như: qui định các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc, tự do hiệp hội và thoả ước lao động tập thể… Điều này đang đặt ra cho nguồn nhân lực các vấn đề mới cần giải quyết, như chi phí về nhân công tăng lên, các điều kiện làm việc cần được đầu tư và cải thiện tốt hơn, thành lập các hiệp hội tự do trong các ngành nghề…

513040.JPG

Vấn đề việc làm ở Việt Nam

Việt Nam luôn chú trọng và ưu tiên phần vốn ngân sách nhà nước cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Kết quả đầu tư ngân sách nhà nước đối với chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm như sau: Năm 2006 ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình là 265 tỷ đồng; năm 2007 là 300 tỷ đồng; năm 2008 là 327 tỷ đồng; năm 2009 là 413 tỷ đồng.

Vốn ngân sách nhà nước cho chương trình việc làm tăng đều qua các năm, trong đó bổ sung quỹ vốn vay giải quyết việc làm hàng năm tăng khá: năm 2006 bổ sung quỹ vốn vay giải quyết việc làm là 235.000 triệu đồng; năm 2007: 250.000 triệu đồng; năm 2008: 250.000 triệu đồng; năm 2009: 313.000 triệu đồng.

Năm 2006- 2007 tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, ước tính năm 2008 tạo việc làm cho 1,615 triệu lao động (đạt 95% kế hoạch). Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị hàng năm đều giảm (năm 2006: 5,1%; năm 2007: 4,91%, năm 2008: ước đạt 4,9%). Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn giảm dần (năm 2006: 5,86%; năm 2007: 5,79%, năm 2008: ước đạt 5,75%).

Nguồn nhân lực Việt Nam chưa đạt yêu cầu và còn yếu so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động được đào tạo của nước ta tuy vẫn tăng đều qua các năm nhưng đến nay vẫn chỉ đạt 24% tổng lao động (tỷ lệ tương ứng của các nước trong khu vực là 50%). Tỷ lệ đào tạo lao động có bằng cấp còn thấp (tăng khoảng 7,3%/năm) và chưa tương ứng với nhu cầu lao động có đào tạo cho phát triển kinh tế. Cơ cấu đào tạo theo ngành nghề, theo trình độ còn nhiều bất cập. Chất lượng thấp làm lao động Việt Nam mất thế cạnh tranh, ngay cả ở thị trường lao động nội địa. Với chất lượng nguồn nhân lực như hiện tại, khi hội nhập với thị trường lao động quốc tế, lao động Việt Nam sẽ mất lợi thế và phải chấp nhận nhiều thiệt thòi.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện tại còn thấp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Trong các năm 2006- 2008, năng suất lao động chung của nền kinh tế tăng từ 22,5 lên 26,5 triệu đồng/năm. Trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 năm đầu của kế hoạch 2006- 2010 là tương đối khả quan nhưng năng suất lao động của nền kinh tế vẫn không được cải thiện nhiều thì sự chững lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 và có thể cả trong một vài năm tiếp theo sẽ còn làm chậm hơn nữa tốc độ tăng của năng suất lao động.

Về xuất khẩu lao động: Trong 10 tháng qua, cả nước đã đưa được khoảng 72.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt khoảng 85,0% kế hoạch năm. Trong khi đó, rất nhiều người chuyển nguyện vọng sang các nước châu Âu, úc, Canada, Mỹ, Hàn Quốc… Chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu lao động lại ở trong tình trạng phân hoá thị trường và nguồn lao động mạnh mẽ như hiện nay…

Giải pháp trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lao động – việc làm: Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, nghiên cứu xây dựng Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu; xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kịp thời ban hành những chính sách liên quan tới giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động để khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, đẩy mạnh mở rộng thị trường nhận lao động Việt Nam; Phê chuẩn các công ước và khuyến nghị của tổ chức lao động quốc tế (ILO) về lao động, việc làm và thị trường lao động; các thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam trong hội nhập…

Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm và cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp giới thiệu việc làm; đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm.

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ người lao động trong quá trình đào tạo và đi xuất khẩu, cũng như nên có chính sách bảo vệ người lao động ở nước ngoài khi họ gặp khó khăn hay bị người quản lý lao động có những hành động không đúng pháp luật.

Thứ tư, xây dựng quỹ bảo vệ và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài trên cơ sở đóng góp của các công ty xuất khẩu lao động và người đi lao động nước ngoài theo một tỷ lệ phù hợp. Thành lập hiệp hội bảo vệ quyền lợi người lao động đi xuất khẩu, hoặc nâng cao vai trò của công đoàn trong lĩnh vực này nhằm không để bất cứ người lao động đi xuất khẩu bị thiệt thòi hay bị ngược đãi.

Thứ năm, thành lập Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động nhằm hình thành một hệ thống đồng bộ từ thu thập, xử lý tới phân tích, dự báo, quản lý và cung cấp thông tin thị trường lao động theo các cấp trình độ, các ngành nghề, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu về đào tạo và phát triển kinh tế của các vùng, ngành, các khu công nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, hoạt động trong Chương trình trong việc cho vay giải quyết việc làm, đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm… Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ bảy, tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác lao động việc làm. Tiếp tục mở nhiều các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ và đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng giao tiếp thực hành cho người lao động để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài.

Tám là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường lao động thế giới và các nước để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp cho việc xuất khẩu lao động sang các nước, tránh để tình trạng phân tán như hiện nay.

Chín là, kiểm soát và giám sát chặt chẽ thị trường xuất khẩu lao động để hạn chế tình trạng lừa đảo hoặc đẩy chi phí xuất khẩu lao động lên quá cao gây thiệt hại và khó khăn cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động./.


Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 24 (440) tháng 12/2008