Từ năm 2002, cá tra, cá ba sa của Việt Nam bị phía Mỹ yêu cầu không được bán ở thị trường nước này duới tên gọi cá da trơn.

 

Theo dự kiến, cuối tháng 2 Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ xem xét có xem cá tra, cá ba sa của Việt Nam là catfish (cá da trơn) hay không. Tuy nhiên, Phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của chính phủ Mỹ cho biết sẽ kéo dài thời gian công bố chưa biết đên khi nào.
Thông tin trên được công bố trên website http://www.whitehouse.gov/omb của chính phủ Mỹ tuần qua.
Lý do mà OMB quyết định kéo dài thời điểm đưa ra công bố nói trên là từ đề xuất của một số quan chức tại Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ cho rằng cá da trơn nhập khẩu đang là mục tiêu xem xét không công bằng, đặt biệt là cá tra, cá ba sa của Việt Nam.
Phía những người phản đối lo ngại một khi Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa cá tra, cá ba sa vào định nghĩa "catfish" đồng nghĩa với việc "cấm cá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ". Những nghị sĩ thuộc hai bộ nói trên lo ngại hành động đó có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa chống lại hàng xuất khẩu của Mỹ như mặt hàng đậu tương được Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ để sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoặc như thịt bò của Mỹ có thể bị mất thị trường Việt Nam.
Trên www.voanews.com, người phát ngôn của Hiệp hội thủy sản Mỹ, ông Gavin Gibbons, nói đây là vấn đề hoàn toàn mang tính thương mại, không liên quan gì đến an toàn vệ sinh thực phẩm vì cá tra, cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam an toàn và tốt.
Cũng theo ông này, có thể hiểu hiện đang có những nỗ lực vận động hành lang (lobby) xung quanh việc đưa ra quy định đối với tên gọi cá tra, cá ba sa của Việt Nam bởi một số người nuôi cá da trơn tại Mỹ không muốn cạnh tranh với cá nhập từ Việt Nam.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì một khi một nước có những cam kết với đối tác thương mại của mình thì nước đó phải có nghĩa vụ tuân thủ và không đưa ra các rào cản phi thương mại với nước đó.
Từ năm 2002, cá tra, cá ba sa của Việt Nam bị phía Mỹ yêu cầu không được bán ở thị trường nước này duới tên gọi cá da trơn (catfish) trong khi Luật Nông nghiệp 2008 đã thay đổi điều này.
Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc cá tra, cá ba sa của Việt Nam được tiếp thị trên thị trường Mỹ vì lệnh cấm gọi cá này là cá da trơn (catfish) vẫn còn hiệu lực.
Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này vẫn không được sử dụng tên catfish trên bao bì, nhãn mác cho dù Luật Nông nghiệp 2008 tìm cách định nghĩa cá tra, cá ba sa của Việt Nam là cá da trơn (catfish).
Số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2009, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 41.000 tấn với giá trị 134 triệu đô la Mỹ, chiếm 6,75% tổng giá trị xuất khẩu của tất cả các thị trường (607.000 tấn).
Ngày 24-7-2003, với tỷ lệ bỏ phiếu 4-0, Ủy ban Thương mại Mỹ đã kết luận các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá, gây tổn hại đến ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ. Qua đó, Bộ Thương mại Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá ba sa của Việt Nam lên tới 64% và có hiệu lực từ 15-8-2003.

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn