Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 7/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và ông Kajiyama Hiroshi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng (UBHH).

Đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng

Hai Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai Bên trong thời gian tới cần bám sát theo các mục tiêu của Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 và Kế hoạch hành động Phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng khẳng định cần tính tới nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tính đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, có khả năng chống chịu tác động. Về vấn đề này, hai Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và bền vững hơn thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ đa dạng hóa cơ sở sản xuất hàng hóa và nguyên liệu ở nước ngoài, và đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam để thực hiện mục tiêu này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư/doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Về việc hợp tác nâng cao năng lực và sức cạnh tranh công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp của các hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong việc nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp cho Việt Nam trong những năm qua và bày tỏ vui mừng trước việc dự án tại Việt Nam nằm trong sáng kiến của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm điều khiển ô tô trong các nước ASEAN sẽ được triển khai đầu tiên trong năm nay. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sẽ có ý nghĩ hơn thông qua việc nhân rộng mô hình đào tạo “kỹ thuật gắn liền với kỹ năng thực hành và sáng tạo” (mô hình KOSEN) tại các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực và tạo thêm giá trị gia tăng cho một số ngành công nghiệp chủ chốt tại Việt Nam như hóa chất, dệt may, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ.

Còn trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0, hai Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cũng như sản xuất thông minh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Các Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực chung trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số mới và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt bằng cách tận dụng sự hợp tác của khu vực công và tư nhân về chuyển đổi kỹ thuật số, chẳng hạn như chương trình hợp tác trực tuyến mới do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam khởi xướng. Nhận thức được tính tất yếu của việc thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp, hai Bên khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm và phát triển khung chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển hơn do những thách thức mà Covid-19 đặt ra, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu vì một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, để giữ cho thị trường mở, và để duy trì hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ các hiệp định của WTO. Bên cạnh đó, cùng khẳng định lại cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất trí ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại đa phương mà hai bên cùng tham gia. Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết sẽ ký kết Hiệp định RCEP trong năm nay và nhấn mạnh rằng RCEP vẫn để ngỏ cho Ấn Độ tham gia trong thời gian tới.

Hai Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về xu hướng thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các hội nghị và hội thảo trực tuyến, cũng như thúc đẩy các hoạt động giao thương B2B trực tuyến bao gồm cả thông qua nền tảng kỹ thuật số giữa các doanh nghiệp của hai nước, nhằm thúc đẩy thương mại song phương.

Thúc đẩy hợp tác năng lượng

Trong lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với nguồn cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng, ổn định trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế, và cách thức tận dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19. Đồng thời chia sẻ quan điểm rằng, Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là rất quan trọng đối với cả hai nước và nhất trí rằng Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm đến dự án để hỗ trợ dự án triển khai thuận lợi trên cơ sở các điều kiện hai bên đã thỏa thuận.

Hai Bên cũng bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường hợp tác thông qua các hoạt động đã được thảo luận chi tiết tại Nhóm Công tác Năng lượng vào ngày 6/8 / 2020.

Theo đó,đa dạng hóa các nguồn năng lượng, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ than sạch, hiệu quả cao phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi quốc gia để đạt được hiệu quả trong việc giảm thải cacbon.

Tăng cường hợp tác dầu khí trong lĩnh vực hợp tác thượng nguồn, như khai thác khí đốt và xây dựng chuỗi giá trị LNG bao gồm việc thông qua dự án nhiệt điện LNG và lĩnh vực hợp tác hạ nguồn nhằm tăng cường an ninh năng lượng của cả hai nước.

Thúc đẩy các chính sách năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cùng với tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo hài hòa với môi trường, bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo hydrogen, CCUS (thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon) và tái chế carbon.

Tăng cường hợp tác về các thách thức toàn cầu, bao gồm các vấn đề về biến đổi khí hậu, chia sẻ tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng bền vững và thực tế dựa trên các giai đoạn phát triển kinh tế và đặc điểm địa lý tại các cuộc họp đa phương bao gồm ASEAN + 3, EAS và APEC.

Tiếp tục nỗ lực huy động nguồn tài chính và đầu tư tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng và phát triển thị trường năng lượng tự do và cạnh tranh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua các khuôn khổ đa phương.

Hai Bộ trưởng ghi nhận sáng kiến đang triển khai của khu vực tư nhân nhằm hợp lý hóa các thủ tục thương mại thông qua việc xây dựng một nền tảng thương mại kỹ thuật số, trong đó các công ty có thể trao đổi các tài liệu liên quan đến thương mại của họ thông qua hệ thống số, góp phần làm tăng thêm sự kết nối chặt chẽ của chuỗi cung ứng khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất và phân phối, hai bên cũng hy vọng sẽ phối hợp chặt chẽ, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực phát triển và hiện đại hóa hạ tầng logistics và phân phối tại Việt Nam.

Đồng thời, công nhận tầm quan trọng của dòng chảy dữ liệu tự do và tin cậy (Free flow of data with trust ) đối với các mục tiêu của người dùng và doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi cho các nền tảng thương mại kỹ thuật số và kinh doanh kỹ thuật số, bao gồm cả việc thảo luận các quy tắc quốc tế về các khía cạnh liên quan đến thương mại của thương mại điện tử tại WTO, trong khuôn khổ Sáng kiến thúc đẩy quản trị nền kinh tế số - Osaka Track.

Nguồn: Báo Công Thương