Viện nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) ngày 4/8 đã công bố báo cáo "Ảnh hưởng và ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc". 

Thông qua sự kiện Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8, KITA dự đoán kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam sang EU sẽ được đẩy mạnh.

Báo cáo chỉ ra rằng tiếp nối Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019, EVFTA sẽ giúp Việt Nam nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.  

Theo đó, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 7 năm, và Việt Nam bãi bỏ thuế quan với hầu hết các mặt hàng nhập nhẩu từ EU trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

Nội dung hiệp định cũng bao gồm cải cách chế độ thương mại của Việt Nam, nới lỏng rào cản phi thuế quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường nghĩa vụ bảo vệ quyền lao động và bảo vệ môi trường. Dự kiến EVFTA sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và mở rộng đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ từ EVFTA. Nguyên nhân là bởi nếu các sản phẩm may mặc Hàn Quốc đáp ứng các điều kiện FTA Hàn-EU và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU thì sẽ được công nhận là hàng Việt Nam và có thể nhận ưu đãi đặc biệt về thuế quan.

Ngoài ra, Trung Quốc không ký hiệp định FTA với EU nên không thể hưởng ưu đãi thuế đối với sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu từ Trung Quốc. Hiện tại, 30% quần áo nhập khẩu vào EU có xuất xứ Trung Quốc với mức thuế quan tối đa là 12%. Nếu thuế quan giữa EU và Việt Nam được bãi bỏ, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng sản phẩm may mặc tại thị trường EU sẽ được thay thế bằng hàng Việt Nam. Cùng với đó, nhu cầu về vải chất lượng cao và các nguyên liệu thô Hàn Quốc khác cũng sẽ tăng. Các mặt hàng tiêu dùng như giày và túi xách hàng Việt Nam cũng có mức thuế suất thấp hơn đáng kể, do đó các công ty Việt Nam có khả năng sẽ mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU.

Viện nghiên cứu thương mại quốc tế cho biết thông qua chính sách mở cửa thị trường, Việt Nam đã thiết lập mạng lưới FTA với 52 quốc gia và trở thành trung tâm thương mại tự do trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Hàn Quốc nên tận dụng điều này, thiết lập chiến lược trung và dài hạn để mở rộng thương mại và đầu tư vào Việt Nam, và tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Nguồn: KBS World