Chuyên gia Kinh tế trưởng Jacques Morisset cho rằng 4 xu hướng mới phát sinh sau dịch COVID-19 là vai trò mới của nhà nước, sự trỗi dậy của nền kinh tế không đòi hỏi tiếp xúc, dấu ấn trong nền kinh tế thế giới đang được nâng lên và sự thận trọng trong theo dõi bất bình đẳng mới.

Chiều 30/7, World Bank (WB) đã công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam T7/2020: "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19".

Báo cáo của WB cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020. 

Theo nhận định của bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia, WB tại Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8% trong năm nay, phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021.

Về tác động của dịch COVID-19 đến Việt Nam, chuyên gia Kinh tế trưởng Jacques Morisset cho rằng 4 xu hướng mới phát sinh sau dịch COVID-19 là vai trò mới của nhà nước, sự trỗi dậy của nền kinh tế không đòi hỏi tiếp xúc, dấu ấn trong nền kinh tế thế giới đang được nâng lên và sự thận trọng trong theo dõi bất bình đẳng mới.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ bị rủi ro về bẫy kinh tế trước mắt. Ông cho rằng, Việt Nam sẽ phải tìm động lực mới và động lực mới có thể là từ khu vực nhà nước. Vị chuyên gia nhận định, khu vực nhà nước sẽ là động lực chính của đất nước trong vài năm tới.

Việt Nam làm rất tốt trong quản lí chính sách tài khóa kể từ năm 2016, tỉ lệ nợ trên GDP giảm 7% trong vòng ba năm qua. Chính phủ đã giảm được nợ công và ông cho biết Việt Nam là một trong số ít các quốc gia không phải tăng nợ vay từ khi dịch bắt đầu nhờ nguồn dự trữ ngân quĩ tốt.

WB đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần chi tiêu nhiều hơn và tốt hơn, nâng cao hiệu quả phân bổ tài chính cho các dự án đầu tư để tạo ra tác động số nhân cho nền kinh tế.

Đồng thời cần hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất để giảm tai ương cho họ và duy trì bền vững sức cầu trong nước. Thêm vào đó, Chính phủ cần đào tạo cho người lao động để tạo điều kiện phát triển và chuyển đổi kĩ năng sau khi đại dịch kết thúc.

Đặc biệt, WB cho rằng Việt Nam cần chia sẻ thông tin và tính đến những động cơ để khuyến khích hành vi có trách nhiệm, nhất là vấn đề môi trường bởi đây là yếu tố tác động lâu dài đến thế hệ sau.

Thứ hai, thế giới sẽ áp dụng công nghệ số nhiều hơn so với những gì chúng ta hình dung trước khi có khủng hoảng COVID-19. Do đó, Chính phủ cần phải hành động rất nhiều và ngay từ bây giờ, tính đến dịch vụ trực tuyến cho giáo dục và y tế bởi tầng lớp trung lưu sẽ đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.

Thương mại điện tử và thanh toán công nghệ số sẽ phải song hành với nhau, vị chuyên gia kinh tế đề xuất. Đồng thời, khi thực hiện Chính phủ điện tử, điều này sẽ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Thứ ba, xu hướng sau đại dịch của Việt Nam là cơ hội để lại dấu ấn hơn trong nền kinh tế thế giới, bởi Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Khi mà thương mại toàn cầu bị suy giảm và các chuỗi giá trị toàn cầu tái cấu trúc, khi các quốc gia vẫn còn đang chống chọi dịch thì ta có thể thấy chuỗi dịch chuyển giá trị tới Việt Nam tăng lên. 

Do đó, phía WB đề nghị Việt Nam cần thu hút các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc đa dạng hóa và né tránh rủi ro - yếu tố Trung Quốc và hình ảnh của Việt Nam sẽ được nâng lên qua COVID-19.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế cũng đề xuất Chính phủ cần mở cửa các chuyển bay với các quốc gia an toàn (hành lang an toàn) và đặt mục tiêu xuất khẩu lương thực đến các quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực tăng lên.

Yếu tố cuối cùng là Việt Nam cần thận trọng theo dõi tình trạng bất bình đẳng mới. Ông cho rằng Việt Nam không tăng trưởng nhanh, mà tăng trưởng rất cân bằng. Chính COVID-19 đã tạo ra tình trạng bất bình đẳng mới giữa ngành, địa bàn,...

Chính phủ cần điều chỉnh chính sách bảo đảm xã hội vì người nghèo mới chưa chắc đã là người nghèo cũ. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh hệ thống thuế sao cho có tính chất phân phối cao hơn - từ giảm thuế trên thu nhập của người lao động đến tăng thuế trên lợi tức bất động sản, đầu tư và công nghệ số.

Việt Nam cũng cần cải thiện khả năng chống chịu các cú sốc trong tương lai bởi phòng ngừa bao giờ cũng ít tốn kém hơn. Tất cả các đề xuất này sẽ giúp Việt Nam phòng ngừa, theo dõi được tình trạng bất bình đẳng mới.

Nguồn: VietnamBiz