Truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp đã trở thành mối quan tâm hàng đầu hiện nay ở các quốc gia châu Âu. Bởi thế, nhiều DN đã chủ động đầu tư vùng nuôi trồng, nhà máy, công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được dự báo sẽ mở ra giai đoạn mới cho cộng đồng DN nông nghiệp Việt. Do đó, ngay từ khi Hiệp định được ký kết, nhiều DN đã có những động thái tích cực như đầu tư kỹ thuật, vùng nuôi trồng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn...

Đơn cử với sản phẩm rau, quả, EU là thị trường nhập khẩu rau, quả từ các nước châu Á, song người tiêu dùng (NTD) tại thị trường này lại có yêu cầu rất khắt khe khi sản phẩm phải đạt các tiêu chí về vùng trồng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường… Để nắm bắt cơ hội từ EVFTA, nhiều DN đã đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn cao gần vùng nguyên liệu để tập trung chế biến sâu.

Bà Lê Thị Nguyên Thùy - Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại - đầu tư XNK MINA - chia sẻ: MINA đã xây dựng sẵn hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn ngay từ ban đầu. Cụ thể là đăng ký mã code vùng trồng, các loại rau, quả của công ty được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, hệ thống nhà xưởng, từ khâu thu hoạch cho đến chế biến đều được xây dựng gần vùng nguyên liệu. Mặc dù chi phí cao hơn nhưng tránh được nhiều rủi ro về sau.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T - cho biết: DN đang xây dựng nhà máy sơ chế đạt chuẩn HACCP (chứng nhận an toàn thực phẩm), đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu 500 hecta tại Vĩnh Long, Đồng Tháp để trồng xoài, nhãn và một số loại trái cây khác phục vụ xuất khẩu (XK)…

Với ngành thủy sản, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn. Dự kiến XK mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030. Điều đáng mừng là, những năm gần đây, các DN ngành này đã có bước chuẩn bị bài bản để sẵn sàng hội nhập khi EVFTA được thực thi.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là trở ngại lớn cho các DN thủy sản Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU. Ông Hòe cho biết, một hệ thống quy tắc xuất xứ đơn giản, linh hoạt, phù hợp với tình hình Việt Nam và cho phép Việt Nam được hưởng các lợi ích chính đáng từ EVFTA sẽ là điều kiện tiên quyết cần đảm bảo. Vì vậy, việc chứng minh về nguồn gốc hợp pháp của thủy sản đã được các DN rốt ráo thực hiện trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Nam Việt - thông tin: DN đã chuẩn bị tốt cho việc thực thi EVFTA qua triển khai dự án nuôi cá tra có quy mô 600ha với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên 3 ấp Bình Đức, Bình Quới và Bình Thới thuộc xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang). Trên tổng thể dự án được chia thành 2 khu, trong đó khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150ha với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Còn khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450ha có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, đây là những tín hiệu cần thiết vì khi EVFTA được thực thi, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã cam kết, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho DN Việt Nam vào thị trường EU.

Nguồn: Báo Công Thương