Sau khi đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, quá trình cải cách vẫn cần được duy trì “sức nóng” để đảm bảo không bị ngắt quãng ngay cả khi Việt Nam ưu tiên phòng chống dịch.

Việc đẩy mạnh các lĩnh vực cải cách đã xác định sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Covid-19 không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến kinh tế

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, Việt Nam là nền kinh tế dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài và do vậy chịu nhiều hệ lụy từ đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân, kích thích phục hồi kinh tế. Dư địa điều hành tài khóa và tiền tệ vẫn còn để có thể ứng phó với các kịch bản kinh tế trong thời gian tới. “So với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, kinh tế Việt Nam những năm gần đây thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều” - bà Trần Thị Hồng Minh nhận xét. 

Dù vậy, Viện trưởng CIEM cho rằng còn khá nhiều nội dung tranh luận về chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có khả năng kéo dài, việc phòng chống dịch và bảo đảm sức khỏe người dân như thế nào để giảm thiểu hệ lụy với kinh tế là một câu hỏi khá phổ biến. Hỗ trợ tài khóa tiền tệ là cần thiết, song có nên bắt chước các giải pháp ồ ạt như các nước phát triển khác không? Một câu hỏi khác là làm thế nào để duy trì cải cách kinh tế, cải cách kinh tế cần thích ứng với bối cảnh bình thường mới như thế nào? Cần làm gì để thúc đẩy cải cách song hành với tiến trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở những vấn đề mới như kinh tế số, mô hình sản xuất lưỡng dụng,...?  

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đòi hỏi Việt Nam, giống như các quốc gia khác, phải thực hiện những biện pháp phòng chống chưa từng có tiền lệ. Các biện pháp này đóng góp đáng kể vào thành công phòng chống dịch của Việt Nam, song cũng kéo theo hệ lụy không nhỏ với nền kinh tế. 

Đến hết tháng 6, các số liệu được công bố có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân có thể do chính phủ nhiều nước, kể cả Việt Nam, đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ và do đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận, đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ.

Mặt khác, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM lưu ý Covid-19 không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn các vấn đề khác của kinh tế vẫn tiếp diễn như cạnh tranh thương mại;  căng thẳng địa chính trị, nhất là giữa các nước lớn; việc ký kết và triển khai các FTA (hiệp định thương mại),… vẫn tiếp diễn. “Suy thoái phức tạp hơn và ai cũng nghĩ nó xuất phát từ Covid-19 mà bỏ qua các yếu tố khác như cơ cấu kinh tế, bảo hộ thương mại…” - ông Nguyễn Anh Dương nhận xét. 

Đà cải cách môi trường kinh doanh cần được tiếp nối

Dự báo tình hình cuối năm, các chuyên gia của CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như kinh tế thế giới còn rất bất định; nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn nhưng thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn; Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ,... ở một số thị trường và mức độ thích ứng của DN đối với thị trường trong nước. 

Trong bối cảnh đó, CIEM khẳng định lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh “bình thường mới”. 

Theo đó, hàm ý chính sách được CIEM nhấn mạnh là công tác điều hành cần giữ được tâm lý bình tĩnh, không vội vàng, không lơi lỏng, chủ quan, có tham vấn và đồng thuận cao của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN và người dân. Quá trình triển khai, áp dụng các biện pháp chính sách cần đảm bảo minh bạch, kịp thời và hiệu quả. Chẳng hạn, chủ trương tận dụng cơ hội tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài gắn với sàng lọc, cải thiện chất lượng dự án đầu tư nước ngoài là cần thiết, song cụ thể hóa trong bối cảnh Covid-19 đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, thậm chí cân nhắc mang tính đánh đổi. Việc định hướng các thảo luận chính sách cũng cần “trung tính”, tránh kỳ thị nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, công tác điều hành vẫn phải gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng. Chính ở đây, việc nâng cao năng lực phân tích kinh tế, đặc biệt về những chiều cạnh mới liên quan đến phát triển hậu Covid-19, là rất cần thiết. Hiệu quả thực hiện của các biện pháp hỗ trợ DN và người dân trong các tháng đầu năm cần được đánh giá thường xuyên và chi tiết để rút ra bài học và yêu cầu điều chỉnh nếu cần thiết. Mỗi đề xuất chính sách, gói hỗ trợ cũng cần tính tới diễn biến và phản ứng chính sách của kinh tế toàn cầu, khu vực, các nền kinh tế chủ chốt, các đối tác quan trọng. 

Chính phủ vẫn cần giữ dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn luôn là yếu tố nền tảng để củng cố niềm tin của DN và người tiêu dùng cũng như sự đồng thuận đối với các biện pháp cải cách và tái cơ cấu.  

Đặc biệt, đà cải cách môi trường kinh doanh vẫn cần được tiếp nối sau khi đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2014 - 2019. Cần bảo đảm quá trình cải cách không bị ngắt quãng ngay cả khi Chính phủ ưu tiên phòng chống dịch. Chính vì vậy, Việt Nam càng phải đẩy mạnh các lĩnh vực cải cách đã xác định và đang theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế, theo đó sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Bối cảnh Covid-19 cũng buộc bản thân tư duy cải cách phải theo cách tiếp cận mở hơn, cải cách không có nghĩa phải “cắt hết”, “bỏ hết”. 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam