Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ thái độ bi quan về triển vọng đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc khi mối quan hệ Mỹ-Trung đang bị tổn hại nghiêm trong do đại dịch Covid-19.

Hôm 10-7, trao đổi với các phóng viên khi đang bay trên chuyên cơ Không Lực Một đến bang Florida để vận động gây quỹ tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.

Ông nói: “Họ (Trung Quốc) đáng lẽ ra đã có thể ngăn chặn dịch bệnh nhưng họ đã không làm điều đó”. Khi được hỏi liệu các vụ tranh cãi xung quanh Covid-19 có cản trở thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc hay không, Tổng thống Trump nói ông thậm chí về không nghĩ về nó vì ông có nhiều điều khác phải bận tâm.

Khi Washington và Bắc Kinh ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1 năm nay, cả hai bên cho biết sẽ hướng đến một thỏa thuận toàn diện hơn trong giai đoạn hai. Song cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa bao giờ đặt ra lộ trình đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 và giờ đây, các cuộc đàm phán thương mại không còn được ưu tiên nữa khi các nước trên thế giới đang căng thẳng ứng phó dịch bệnh

Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 cũng khiến Trung Quốc có khả năng sẽ không đáp ứng các mục tiêu tăng mua hàng hóa Mỹ trong thỏa thuận giai đoạn một, càng làm gia tăng các hoài nghi về triển vọng cuộc đàm phán mới.

“Kỳ vọng về thỏa thuận thương mại giai đoạn hai không còn khả thi cho đến khi thỏa thuận giai đoạn một được thực hiện xong xuôi và môi trường tổng thể của mối quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện”,  Myron Brilliant, Phó chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ, nói.

Tại Bắc Kinh, các quan chức cũng không sốt sắng với ý tưởng thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Mỹ vì họ cho rằng Trung Quốc chẳng được lợi lộc gì nhiều để thực hiện các yêu cầu “khó nhằn” của Mỹ bao gồm cắt giảm trợ cấp nhà nước cho các công ty trong nước, giảm quy mô của các doanh nghiệp nhà nước, nới lỏng sự quản lý của chính phủ đối với nền kinh tế.

Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng mô hình kinh tế dưới sự chỉ đạo của nhà nước đã giúp Trung Quốc vươn lên từ nghèo khó và sẽ đóng góp vai trò quan trọng khi Trung Quốc nỗ lực tự cường về công nghệ để cắt giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Mỹ chịu mức thâm hụt hàng hóa và dịch vụ lên đến 308 tỉ đô la Mỹ với Trung Quốc trong năm 2019 do Mỹ nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu sang Trung Quốc. Mức thâm hụt này chẳng thay đổi nhiều kể từ năm 2016 khi ông Trump nhậm chức tổng thống nhưng giảm so với mức gần 380 tỉ đô la trong năm 2018.

Việc ông Trump không còn ưu tiên cho đàm phán thỏa thuận giai đoạn hai cũng có nghĩa là các đòn thuế của Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc sẽ chưa được gỡ bỏ sớm. Mỹ đã áp thuế lên 360 tỉ đô la hàng hóa mà Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Theo thỏa thuận giai đoạn một, Mỹ đồng ý giảm 50% mức thuế 15% đối với 110 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, 250 tỉ đô la hàng hóa còn lại vẫn bị mức thuế 25%.

Ông Trump xem nhiệm vụ giải quyết vấn để mất cân đối thương mại với Trung Quốc là một trọng trọng trong cương lĩnh vận động tranh cử của ông vào năm 2016. Sau khi lên cầm quyền vào năm 2018, ông bắt đầu tung một loạt đòn thuế vào hàng hóa Trung Quốc để gây sức ép buộc Bắc Kinh phải đưa ra các nhượng bộ thương mại.

Ban đầu, các cuộc đàm phán Mỹ-Trung tập trung vào một thỏa thuận toàn diện nhưng rốt cục đàm phán sụp đổ vào tháng 5-2019, làm leo thang cuộc chiến thuế giữa hai nước. Khi đàm phán được nối lại vào mùa thu năm ngoái, hai bên tập trung vào các vấn đề hẹp hơn.

Nội dung cốt lõi của thỏa thuận thương mại giai đoạn một là Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ thêm tổng cộng 200 tỉ đô la trong hai năm 2020 và 2021. Nhưng khi các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 lần lươt khiến nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ suy sụp, trao đổi thương mại giữa hai nước này và trên toàn cầu sụt giảm mạnh.

Trong tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh mua hàng hóa Mỹ. Nhưng khi chỉ còn sáu tháng nữa,  năm 2020 sẽ kết thúc, tốc độ mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc vẫn đủ nhanh để đạt mục tiêu vào cuối năm nay.

Sau khi ký kết thỏa thuận giai đoạn một, Tổng thống Trump nói rằng ông muốn đàm phán ngay các thỏa thuận ở các giai đoạn tiếp theo với Trung Quốc về các vấn đề như yêu cầu Trung Quốc dừng cưỡng ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, chấm dứt trợ cấp cho các công ty trong nước.

Tuy nhiên, sau đó, ông nói muốn đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, mới tiến hành đàm phán vì ông tin rằng ông sẽ tái đắc cử và điều này sẽ giúp ông có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn với Trung Quốc.

Nguồn: Kinh tế Sài gòn