Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ đẩy nhanh các chương trình hành động để tận dụng cơ hội ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Sáng 5-6, Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) do Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức. 

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, với EVFTA, lần đầu tiên Việt Nam đạt được tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam, khi trong 7 năm đầu tiên, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.

Cơ hội giảm thuế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng

"Điều kiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa, đồng thời đang phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu" - ông Tuấn Anh nói. 

Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do COVID-19, mở ra cơ hội về công nghệ, nguồn vốn tín dụng, lao động, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng nhanh và bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị gia tăng. 

Mặc dù nhìn nhận cơ hội là rất to lớn khi EVFTA có thể góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm từ 2,18-3,25%, song ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng có 7 thách thức lớn đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp.

Trước hết là yêu cầu về rào cản kỹ thuật như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ. Sức ép cạnh tranh khi mở cửa thị trường, hàng hóa EU sẽ tràn vào Việt Nam với chất lượng, mẫu mã đẹp hơn. 

Doanh nghiệp Việt Nam cũng được trước nguy cơ về phòng vệ thương mại, khi các nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Ngoài ra là thách thức cạnh tranh nguồn lao động, trong bối cảnh doanh nghiệp hạn chế thông tin, chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, lại thiếu vốn và nguồn lực cho sản xuất. 

Áp lực nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Kim Hùng, phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại, cần phải có ba chương trình hành động, tập trung vào thị trường marketing và sale, nâng cao năng lực vốn và quản trị.

"Đề nghị Bộ Công thương dành kinh phí xây dựng dữ liệu doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp trước khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào sẽ tham khảo xem mình có thực hiện được không, khả năng ra sao. Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận với đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, nên rất cần có các chuyên gia chia sẻ thông tin nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh" - ông Hùng nói. 

Nhìn nhận doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng tiếp cận nắm bắt về khía cạnh thông tin pháp luật, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò của cơ quan nhà nước trong triển khai thực thi, tận dụng cơ hội của hiệp định. 

Theo đó, không chờ đợi hiệp định được Quốc hội dự kiến bấm nút thông qua vào ngày 8-6, Bộ Công thương đã tổ chức tập huấn triển khai thực hiện việc cấp chứng nhận xuất xứ và các quy tắc quan trọng để phục vụ cho việc khai thác ưu đãi thương mại từ EVFTA. 

"Kỳ vọng và mong muốn của chúng tôi là EVFTA phải được khai thác, tổ chức thực hiện với hiệu quả cao nhất cho đất nước, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa" - bộ trưởng nhấn mạnh. 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ