Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 (AEM+3) trực tuyến, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, các nước thống nhất mục tiêu cao nhất là tiếp tục đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ, đảm bảo những chương trình hợp tác về kinh tế - xã hội.

Không ban hành thêm hàng rào thuế

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hai hội nghị đều đề cập đến những vấn đề lớn và những tác động, dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, quan trọng trong tuyên bố chung và chương trình hành động đều đề cập đến những vấn đề lớn trong những chính sách để đảm bảo hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác, để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế.

Trước hết, phải khẳng định ASEAN và ASEAN+3 đều khẳng định sự hợp tác của các nước nội khối cũng như ASEAN với 3 nước đối tác là vô cùng quan trọng và tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng ở khu vực và trên toàn cầu. Thực tế, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều là những đối tác rất quan trọng của Việt Nam và các nước ASEAN. Chưa kể đến, các nước ASEAN cũng là thị trường rất quan trọng của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ở các lĩnh vực khác nhau” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Vì vậy, các Bộ trưởng thống nhất đánh giá và đưa ra biện pháp cụ thể, đặc biệt trong Kế hoạch hành động Hà Nội.

ASEAN khẳng định tất cả các nước phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tăng cường hiệu quả sự liên kết nội khối, đảm bảo khôi phục hoạt động của nền kinh tế cũng như đảm bảo vai trò các nước ASEAN trong chuỗi cung ứng. Các nước ASEAN thống nhất phải hoàn thiện các hoạt động của quản lý nhà nước, nhất là trong khung khổ pháp luật và thể chế để đảm bảo ASEAN tiếp tục là nền kinh tế năng động, có sức hấp dẫn không chỉ trong các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả trong ổn định xã hội mà còn cả trong phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và đối tác.

"Các Bộ trưởng cam kết tiếp tục rà soát, bãi bỏ những hàng rào thuế quan cũng như các hàng rào kỹ thuật cản trở cho sự luân chuyển dòng hàng hóa, dịch vụ và tín dụng của các nước trong ASEAN” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Riêng với Kế hoạch hành động Hà Nội, các nước đều khẳng định, doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là khu vực trọng tâm. Vì vậy, tất cả các nước sẽ tiếp tục các cơ chế chính sách để hỗ trợ thuận lợi nhất cho khu vực doanh nghiệp. Trong đó, sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các khu vực công - tư.

ASEAN sẽ tiếp tục phối hợp trong Chương trình hành động việc rà soát pháp lý và việc tổ chức những khung khổ hợp tác và cơ chế hỗ trợ của các nước ASEAN trong tiếp cận các thị trường trong khung khổ hội nhập mới mà ASEAN tiếp tục triển khai thực hiện. Ví dụ, như Hiệp định Đối tác toàn diện và khu vực RCEP và chúng ta đang tiếp tục xây dựng kế hoạch để ký kết ngay trong năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN cũng thống nhất tạo thuận lợi tối đa cho việc luân chuyển hàng hóa, đặc biệt là thông qua các hoạt động thương mại, hàng không, đường biển, đường bộ; tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan, bao gồm việc dùng ứng dụng điện tử trong các hoạt động của hải quan cũng như thông quan điện tử, bao gồm cả cấp C/O điện tử và các thủ tục khác cho luân chuyển hàng hóa trong ASEAN và ASEAN +3 và các đối tác.

Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang tiếp tục đe dọa sự phát triển của các nước ASEAN, nhất là với các nền kinh tế đang hướng về xuất khẩu, các nước ASEAN cần tiếp tục thống nhất phát triển hơn nữa thị trường nội địa trên cơ sở tiếp tục tạo ra cơ chế chính sách để kích cầu nội địa cũng như thông qua các chương trình về đầu tư của nhà nước trong các lĩnh vực về hạ tầng và cho nền kinh tế để phối hợp hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp cũng như thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, các biện pháp để tạo ra sự kết nối về thị trường giữa các nước ASEAN cũng là nội dung quan trọng để giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Theo nhiều dự báo, cuối năm nay, dịch Covid-19 sẽ có sự quay trở lại của dịch bệnh, chính vì vậy, tất cả Bộ trưởng của ASEAN và ASEAN+3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất phải tiếp tục đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo các chương trình hợp tác có hiệu quả về kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, các nội dung tiếp tục tính toán đến các biện pháp để hồi phục nền kinh tế, đảm đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia cũng như các nước đối tác.

Các quốc gia trong ASEAN và đối tác đều khẳng định đây chính là thời điểm rất quan trọng mà kinh tế toàn cầu và kinh tế khu vực sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về tái cấu trúc những chuỗi cung ứng” – Bộ trưởng nói.

Các chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu phục vụ đảm bảo phòng chống dịch bệnh như y tế, vật phẩm y tế cũng là những nội dung đã được Việt Nam và các nước ASEAN và ASEAN+3 trao đổi và đề cập, đi tới thống nhất cao. Một số ngành kinh tế quan trọng của các nước ASEAN có khả năng tham gia hiệu quả trong các chuỗi cung ứng toàn cầu như một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp ô tô… đều được coi là lĩnh vực ưu tiên. Các nước sẽ tiếp tục tạo cơ chế cho các doanh nghiệp và các tổ chức tham gia chuỗi cung ứng này tiếp tục khôi phục sản xuất và cấu trúc lại các chuỗi cung ứng mới ở khu vực và toàn cầu.

Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, các nước đều thống nhất tập trung vào con đường hợp tác nội khối, tạo ra những khu vực có sức cạnh tranh cao thu hút đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển thị trường theo hướng mở cửa, hạn chế những biện pháp rào cản, kể cả thuế quan và phi thuế quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, Chính phủ rất chủ động, linh hoạt trong các biện pháp để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người dân, vừa phòng chống dịch có hiệu quả. Với nhiệm vụ khôi phục lại các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới, đối với Việt Nam, tất cả các mối quan hệ hợp tác cho dù trong nội khối ASEAN hay với các đối tác của ASEAN đều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kinh tế, chỉ có hợp tác mới mang lại hiệu quả cao, ổn định phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam

Sau các hội nghị này, Chính phủ và Bộ trưởng các nước sẽ nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch phù hợp giữa khu vực công và tư. Từ đó, sẽ tiếp tục đưa ra những nội dung cụ thể trong xây dựng chính sách điều hành của các nước. "Đặc biệt sẽ tính toán đảm bảo những khuyến nghị, kế hoạch này đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài trong tái cơ cấu lại, đảm bảo bền vững hơn của các ngành kinh tế, chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia ở khu vực và toàn cầu, với vai trò của khu vực doanh nghiệp"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm.

Nguồn: Báo Công Thương