Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm trái cây, nông sản đến mùa vụ thu hoạch đang là thách thức của nhiều đặc sản vùng miền địa phương.

Sơn La có khoảng 70.000 ha cây ăn quả, dự kiến sản lượng năm nay đạt gần 400.000 tấn. Sản lượng tăng rất nhanh khiến lãnh đạo tỉnh vừa mừng vừa lo bởi trong bối cảnh hiện nay, đầu ra cho sản phẩm rất đáng quan ngại. Các nước có dịch vẫn tăng cường các hoạt động kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu nên nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gặp khó khăn về đầu ra.

Nỗi lo chính vụ

Hợp tác xã nấm thảo nguyên Mộc Châu có sản phẩm chủ lực là nấm cao cấp các loại. Đợt dịch COVID-19, hợp tác xã đã dừng sản xuất một thời gian, đến nay khi khôi phục lại thì khó khăn về lao động và đầu ra sản phẩm. Sản phẩm của Hợp tác xã hiện xuất cho các chợ đầu mối nông sản song lượng tiêu thụ trong nước bấp bênh, nhỏ lẻ, không có các đơn hàng lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã, dù không có tình trạng ế nhưng giá thành thu được vẫn thấp.

Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, khi có dịch, sản phẩm chủ yếu của Sơn La là rau và đã có chuỗi khép kín với các siêu thị ở Hà Nội. Còn trong mùa dịch, mận là sản phẩm đáng lo nhất do đúng chính vụ thì dịch COVID-19 bùng phát nên thời gian đầu khá khó khăn.

Do đó, ngay khi dịch bệnh xảy ra Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo nhằm hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Không tổ chức được các hội nghị xúc tiến, Sở đã thay đổi phương thức xúc tiến. Chỉ đạo các sở ban ngành tăng cường xúc tiến, quảng bá trên các trang thông tin của Sở và các trang mạng xã hội để các sản phẩm trái cây, nông sản an toàn Sơn La đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Tổ chức họp trực tuyến để quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây của địa phương đến từng thị trường. Đồng thời, giúp bà con nông dân đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng các thị trường tiêu dùng.

Ngoài ra, sau dịch bệnh tỉnh tiếp tục phối hợp với các thị trường lớn như Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội… quảng bá các gian hàng sản phẩm để duy trì thị trường. Bên cạnh đó, làm việc với tỉnh Lạng Sơn trong việc hỗ trợ đẩy nhanh thông quan các sản phẩm Sơn La sang thị trường Trung Quốc, hỗ trợ tỉnh quảng bá sản phẩm Sơn La đến với doanh nghiệp Trung Quốc.

“Tôi đã đề nghị siêu thị BigC tại Hà Nội dành cho Sơn La một khu vực riêng để quảng bá sản phẩm của tỉnh. Đây chính là một kênh để người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm của Sơn La. Tiếp tới là tăng cường quáng bá vào các siêu thị như Vinmart… chứ tỉnh không xây dựng hệ thống phân phối riêng riêng vì chi phí lớn, hiệu quả chưa chắc cao”, ông Thuận chia sẻ.

Vai trò của doanh nghiệp đầu tàu, nhà quản lý

Trong bối cảnh đầu ra khó khăn hiện nay, ông Thuận cho biết, tỉnh đã đặt ra 3 vấn đề cần quan tâm đó là đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước hơn nữa, điển hình thị trường Hà Nội. Mặt khác, tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Và thứ 3 đặc biệt quan trọng, theo ông Thuận là nghiên cứu, xem xét tới việc đầu tư chế biến sâu tại tỉnh để giảm áp lực đầu ra cho sản phẩm khi có sự cố xảy ra, như dịch COVID-19 vừa qua, cũng như nâng cao được giá trị sản phẩm địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Thuận, việc đầu tư vào khâu chế biến đòi hỏi thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia. Khi đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ giúp người dân chuyển giao KHCN, sản xuất theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà mua…

Ở góc độ doanh nghiệp, bên cạnh mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, ký được các hợp đồng lớn với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc... ông Hải còn kỳ vọng có những nhà đầu tư có tâm huyết với nông sản Việt Nam hợp tác với Hợp tác xã xây dựng nhà máy sấy, ép xoài, mận… Việc đầu tư xây dựng nhà máy với chi phí khá lớn, trong khi đó đa số xã viên đều là người dân tộc thiểu số, khó khăn về tài chính, trình độ quản lý chưa có… thì đầu tư nhà máy là điều quá xa vời với họ.

Giải bài toán đầu ra cho trái cây, nông sản, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, để kích cầu tiêu dùng, hệ thống bán lẻ đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu người tiêu dùng, qua cả kênh bán hàng online. Sở Công Thương chỉ đạo cho các nhà bán lẻ kích cầu tiêu dùng bằng nhiều hình thức, đặc biệt với các hàng nông sản, trái cây từ các tỉnh.

Trong thời điểm khó khăn hiện nay, theo bà Hậu, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, không phải bằng tiền mà hỗ trợ bằng nhiều cơ chế chính sách. “Bán lẻ như cầu nối từ A- B, nếu con đường đó tốt thì sự dẫn dắt sẽ tốt hơn, nền sản xuất sẽ phát triển, do vậy cần có cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp thực hiện tốt”, bà Hậu nhấn mạnh.

Cụ thể, hiện nay, các thủ tục giấy tờ cấp phép đã được làm qua mạng tuy nhiên cần cải tiến các quy trình để phù hợp như khai báo thông tin điện tử, rút ngắn các quy trình, thời gian… Quan trọng nữa, các quy định chương trình khuyến mại hiện đã giảm thời gian khai báo, song vẫn còn một số vướng mắc.

Với những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Trong khi nông sản theo mùa vụ, mùa vụ diễn ra ngắn trong khi để làm các thủ tục xuất khẩu phải mất rất nhiều thời gian… việc hướng dẫn chi tiết cho bà con nông dân từ chính quyền địa phương là rất quan trọng…

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp