Đây là khẳng định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại buổi Hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA” do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Việt Nam (IDH) tổ chức, chiều 26/5.    

Theo ông Trần Thanh Hải, dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội “vàng” giúp các doanh nghiệp dệt may tăng doanh thu nhờ sản xuất khẩu trang xuất khẩu đáp ứng nhu cầu cao của các nước phòng chống dịch. Tuy nhiên về lâu dài, để “rộng cửa” vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ thì các doanh nghiệp cần thận trọng nghiên cứu về quy trình nghiêm ngặt theo quy định của nước muốn xuất khẩu trước khi sản xuất, lưu hành.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết: "Hiện thị trường thế giới đối với các mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế vẫn đang tiêu thụ mạnh, tuy nhiên dự đoán cuối năm giảm xuống. Do đó, trong khi các nước vẫn đang phòng chống dịch, chưa thể sản xuất trở lại, việc chúng ta tập trung đầu tư vào sản xuất xuất khẩu đồ phòng dịch trong thời điểm này sẽ giúp tăng khả năng dự trữ của các nước. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và chinh phục các thị trường châu Âu và châu Mỹ, nếu chủ động đáp ứng yêu cầu của những thị trường này”.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung tham vấn, thảo luận và giải đáp kỹ hơn các thắc mắc của doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ) tại thị trường EU và Mỹ. Trưởng đại diện Tập đoàn EUROFINS tại Hà Nội bà Dương Phong Hiền đã có những giải đáp thêm về các tiêu chuẩn về khẩu trang y tế, bộ trang phục phòng dịch và bảo hộ cá nhân cũng như yêu cầu thử nghiệm tại thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện thêm các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng các sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may Việt Nam với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia của các tổ chức chứng nhận quốc tế đã giới thiệu chung về CE, FDA, quy trình, thủ tục để lấy chứng nhận CE, FDA. Chuyên gia thử nghiệm của Công ty SGS Việt Nam bà Trần Thanh Thuỷ Tiên cũng giải đáp thêm về các thông số, ký hiệu, thông tin, chỉ tiêu của các lại khẩu trang hiện có trên thị trường. Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu hơn về tiêu chuẩn của các loại khẩu trang nhằm đưa ra hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu các thị trường khác nhau.

“Hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết và đang chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Để có thể đón đầu các cơ hội to lớn mà Hiệp định mở ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU để đảm bảo khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định...”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải chia sẻ.

Nguồn: Báo Công Thương