Sóng FDI vào Việt Nam đang dần nổi nhưng Việt Nam lại đang thiếu những thứ cơ bản để đón sóng bền vững và lâu dài...

Xu hướng chuyển dịch chuỗi vào Việt Nam

Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau đại dịch. Mới đây, Nikkei dẫn nguồn tin cho biết, trong quý II này, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã làm nhà máy tại Bắc Giang. Còn đại diện Panasonic Việt Nam cũng cho biết, đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bươc tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.

Trước đó những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon cũng đã bày tỏ những kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam do nhận thấy sự hấp dẫn về môi trường đầu tư cũng như hiệu quả từ chính các dự án đã có của họ.

Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư ngoại. Tuy số liệu này thấp hơn so với cùng kỳ 2019, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị tàn phá bởi dịch COVID-19, thì con số này chứng minh Việt Nam là quốc gia có sức chống chịu trước khủng hoảng là khá tốt.

Tại khu vực phía Nam, TP.HCM vẫn là nơi dẫn đầu trong thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư ngoại với 369 dự án trong 4 tháng đầu năm. Tỷ lệ tăng vốn nhẹ hoặc duy trì ổn định sản xuất tại các nhà máy của doanh nghiệp FDI như thế này cho thấy TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang trở thành điểm đến và dừng chân của khối đầu tư ngoại từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Việc dịch chuyển luồng đầu tư này bao gồm nhiều nguyên nhân, như do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến các nhà đầu tư quốc tế phải tái cơ cấu, định vị lại chuỗi cung ứng hướng về những địa điểm sản xuất an toàn hơn.

Trong lĩnh vực này Việt Nam đã thể hiện được thế mạnh của mình trong việc phòng chống dịch. Đồng thời, sự an toàn của Việt Nam còn được thể hiện qua sự ổn định xã hội từ nhiều năm nay.

Hơn nữa, thời gian qua, các tập đoàn lớn nhận ra sự phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc có nhiều rủi ro, đặc biệt là ứng xử của Trung Quốc trong thời gian qua khiến họ bất an. Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, để phân tán rủi ro, đã có 122 doanh nghiệp Nhật Bản quyết định di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi được lựa chọn chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn. 

Lợi thế mong manh

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng, Việt Nam hiện nay đang hấp dẫn các nhà đầu tư chủ yếu là nhờ lao động giá rẻ. Nhưng chỉ là lao động giá rẻ, không phải rẻ nhất. Song song với đó, thời gian đào tạo nguồn lao động cho các nhà máy của doanh nghiệp FDI chỉ mất khoảng 1 – 2 năm, rất ngắn so với vòng đời dự án đầu tư 50 năm.

Do đó, việc Việt Nam đang tập trung vào nâng cao tay nghề nhân lực để thu hút FDI chỉ tạo ra một lợi thế mong manh.

Một so sánh nhỏ để thấy sự mong manh này: các nước tại mũi Châu Phi cũng có vị trí chiến lược trên bản đồ thương mại thế giới không kém so với Việt Nam. Trong khi đó, nguồn lao động ở đây lại rẻ hơn tại Việt Nam và thời gian đào tạo ngắn nên đây cũng là một khu vực tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế.

Do đó, thay vì chỉ chú trọng vào đào tạo nhân lực mong manh và mang tính kịp thời thì Việt Nam cần có chiến lược xây dựng lợi thế mang tính lâu dài để thu hút vốn FDI.

Cụ thể, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là xây dựng các nhà máy sản xuất: tai nghe của Apple, tủ lạnh, máy giặt của Panasonic, điện thoại của Samsung… Các nhà máy sản xuất này sẽ kéo theo những gia tăng về vận nhập khẩu, vận chuyển nguyên liệu đầu vào và vận chuyển, xuất khẩu các thành phẩm đầu ra.

Hay cụ thể hơn, các doanh nghiệp vốn FDI có nhu cầu tập kết, vận tải hàng hóa rất lớn. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ quan tâm đến hệ thống thu gom hàng, vận chuyển hàng hóa trong nội địa Việt Nam.

Trong khi đó, hình thức vận tải chính trong nội địa Việt Nam hiện nay là vận tải đường bộ, chiếm tới hơn 80% khối lượng hàng hóa. Nhưng mức cước phí vận tải đường bộ tại Việt Nam đang ở mức cao, cao hơn 3 lần so với đường biển hoặc đường sắt và cao nhất trên Thế giới.

Hệ thống thu gom của Việt Nam hiện nay cũng rất yếu. Phát triển hệ thống thu gom tại các cảng biển đang dần hình thành, còn đối với các cảng cạn, cảng nội địa thì đang trong quá trình manh nha thành hình.

Ngoài ra, doanh nghiệp FDI cũng rất chú trọng, hay rõ hơn là cần đến hệ thống doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng hệ thống doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay rất thiếu và chủ yếu ở quy mô nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Thực tế trong vài năm qua Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, những chủ trương để giảm chi phí vận tải… nhưng đến nay vẫn chưa thể có chuyển biến tích cực và tạo được hiệu quả, hiệu ứng đột phá.

Do đó, để bền vững đón sóng FDI, Việt Nam cần những bước chuyển mang tính lâu dài không đơn thuần là đưa ra các chính sách nhỏ lẻ mà cần đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp