Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ - cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thúc đẩy XK sang Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện Kế hoạch hành động hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước.

Thời gian gần đây, trao đổi thương mại giữa hai nước, cơ cấu các mặt hàng đã thay đổi thế nào, và liệu xu hướng này có thay đổi trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế toàn cầu không, thưa ông?

Những năm gần đây, Hoa Kỳ luôn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại tăng trưởng liên tục từ 450 triệu USD năm 1994 lên 75 tỷ USD năm 2019 (tăng 24,4% so với năm 2018).

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trước kia, XK chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày, thì hiện nay, nhóm hàng nông - thủy - hải sản đã tham gia vào danh mục các nhóm hàng XK quan trọng. Năm 2019, trong 5 nhóm hàng XK lớn nhất sang Hoa Kỳ, ngoài dệt may (24%), giày dép (11%) còn có điện thoại và linh kiện (15%), máy tính và sản phẩm điện tử (10%), đồ gỗ (9%).

Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, nên những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam đều xuất hiện tại thị trường này với số lượng lớn và chủng loại phong phú.

Cơ cấu XK đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng. Đáng lưu ý, hiện có tới 10 nhóm hàng XK có giá trị trên 1 tỷ USD vào Hoa Kỳ, trong đó có các nhóm hàng XK giá trị lớn như dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD).

Về nhập khẩu (NK), cơ cấu hàng hóa tuy có thay đổi nhưng không rõ nét. Các mặt hàng NK chính từ Hoa Kỳ là máy móc, thiết bị, nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, nhưng gần đây, nhóm hàng nông sản, hoa quả, thịt, sản phẩm thịt được NK nhiều hơn.

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ DN thúc đẩy XK sang Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai Kế hoạch Hành động hướng tới quan hệ thương mại Việt - Mỹ hài hòa, bền vững. Song song với việc nâng cao giá trị XK, Việt Nam sẽ NK nhiều hơn từ Hoa Kỳ, nhất là các nhóm hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như: Năng lượng, nông sản, dược phẩm, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt với ngành dệt may, theo ông, việc tăng NK nguyên liệu từ Hoa Kỳ có tác động thế nào đến cán cân thương mại hai nước?

Hoa Kỳ là thị trường hàng đầu thế giới về tiêu thụ sản phẩm dệt may và da giày, nhưng không có lợi thế cạnh tranh về sản xuất những sản phẩm này. Phần lớn sản phẩm dệt may và da giày phải NK (do giá nhân công, nguyên vật liệu,… đều cao và thiếu).

Tuy nhiên, trong lĩnh vực dệt may, Hoa Kỳ lại có thế mạnh về cung cấp bông. Năm 2019, Hoa Kỳ cung cấp 50% tổng NK bông của các DN dệt may Việt Nam, tương đương 1,6 tỷ USD. Đây là nhóm hàng NK có kim ngạch lớn thứ 2 từ Hoa Kỳ. Thương vụ luôn giữ liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội Dệt may Việt Nam để kịp thời hỗ trợ hoạt động NK bông từ Hoa Kỳ, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Việc tăng cường NK bông từ thị trường này cũng góp phần cân bằng cán cân thương mại theo hướng hài hòa, bền vững theo chủ trương của Chính phủ.

Đối với mặt hàng nông sản, đặc biệt trái vải của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ năm 2018, đến nay, mặt hàng này được người tiêu dùng ở đó đón nhận ra sao, thưa ông?

Các mặt hàng như thanh long, xoài của Việt Nam hiện được bày bán và tiêu thụ rộng rãi tại Hoa Kỳ. Với trái vải tươi, dù đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho phép NK vào thị trường này, nhưng sức tiêu thụ còn hạn chế vì phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại, cũng như các nước khác. Ngoài ra, quả vải có thời vụ ngắn, trong khi đó, thị trường xa, chuỗi phân phối nội địa trải rộng, khó bảo quản chất lượng, mẫu mã trong vận chuyển.

Trong bối cảnh dịch Covid- 19 phức tạp, việc tiêu thụ vải thiều cũng như các thực phẩm khác sẽ bị ảnh hưởng. Trước hết, do sức tiêu thụ chung của thị trường giảm sút. Người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thực phẩm dùng dài ngày, các sản phẩm tươi, sử dụng ngay sẽ khó tiêu thụ. Ngoài ra, hệ thống phân phối gặp nhiều khó khăn do các quy định về kiểm soát dịch bệnh, một số bang ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cản trở khả năng vận chuyển đường bộ, vận chuyển hàng không thì chi phí lớn.

Thực hiện Kế hoạch Hành động của Bộ Công Thương về ứng phó tác động từ dịch Covid-19, Thương vụ tại nước sở tại đã có những hành động cụ thể gì để hỗ trợ DN trong nước tìm kiếm thị trường mới?

Ngay sau khi nhận được kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại đối với các nhóm hàng cụ thể như rau, quả, trái cây đã được Hoa Kỳ cấp phép NK như: Thanh long, vải, chôm chôm. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình xem xét, cấp phép NK đối với quả bưởi. Hỗ trợ các DN thủy sản, gỗ ván ép… tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) làm việc với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và các bên liên quan để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của các DN Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại do phía Hoa Kỳ khởi xướng. Đồng thời, quảng bá thông tin về DN và sản phẩm Việt Nam trên trang web của Thương vụ, cũng như trao đổi, hỗ trợ kết nối các DN Việt Nam có tiềm năng XK với các hệ thống phân phối, hiệp hội ngành hàng và đối tác NK tại Hoa Kỳ.

Xin cám ơn ông!

Hoa Kỳ là thị trường lớn và giàu tiềm năng, song cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Do đó, nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là giải pháp hàng đầu để duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ.

Nguồn: Báo Công Thương