Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được chờ đợi bấy lâu là chiến thắng đối với các công ty Mỹ đang tìm cách tiếp cận lĩnh vực tài chính có giá trị 40.000 tỷ USD của Trung Quốc.

Nhưng nhiều nội dung trong thỏa thuận đã được tiến hành, từ khi Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ tự do hóa thị trường trong năm ngoái.

Theo thỏa thuận này, Trung Quốc đã đồng ý đẩy sớm chín tháng thời hạn tháng 12/2020 cho việc dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty chứng khoán, bao gồm cả các mảng môi giới, đảm bảo và ngân hàng đầu tư. Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” còn cam kết sẽ nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài sản, thanh toán và quản lý quỹ của Trung Quốc.

Mục đích của nó là nhằm giải quyết các kiếu nại lâu nay của Mỹ về các hàng rào đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, giới hạn sở hữu cổ phần nước ngoài, các yêu cầu về mặt quy định mang tính phân biệt đối xử và quy trình cấp phép thiếu minh bạch.

Ông Andrew Collier, giám đốc quản lý của công ty Orient Capital Research có trụ sở ở Hong Kong, cho rằng Trung Quốc rất muốn thu hút nhiều hơn vốn đầu tư tư nhân vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc giành thị phần lớn hơn từ các đối thủ là công ty tư nhân và quốc doanh của Trung Quốc.

Bản thỏa thuận cho biết muộn nhất là vào ngày 1/4, Trung Quốc sẽ bỏ giới hạn cổ phần nước ngoài và cho phép các ngân hàng đầu tư Mỹ tham gia vào các công ty chứng khoán trong nước.

Giới hạn sở hữu đối với các ngân hàng nước ngoài tại các công ty liên doanh chứng khoán Trung Quốc đã được nâng từ 49% lên 51% vào năm 2018. Việc không nắm quyền kiểm soát và đóng góp hạn chế vào doanh thu từ lâu đã là vấn đề khiến nhiều ngân hàng đầu tư toàn cầu không mấy mặn mà với thị trường Trung Quốc.

Trong khi Goldman Sachs và Morgan Stanley đang chờ đợi sự chấp thuận của cơ quan quản lý để nâng lượng cổ phần nắm giữ tại các liên doanh chứng khoán ở Trung Quốc lên 51%, thì Citigroup lại dự định sẽ thành lập một công ty chứng khoán thuộc sở hữu hoàn toàn của ngân hàng này sau khi đã đồng ý bán lại cổ phần tại một liên doanh trước đó vào năm ngoái.

Còn JPMorgan đã nhận giấy phép chính thức từ các nhà quản lý vào ngày 18/12 vừa qua để thành lập một liên doanh chứng khoán mà ngân hàng này nắm sở hữu đa số.

Một luật sư ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã và đang mở cửa thị trường của mình rồi, vấn đề là quy trình  áp dụng và các thủ tục quản lý có được xử lý nhanh hay không thôi.

Tháng Bảy năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh hẳn một năm thời điểm cho phép 100% sở hữu nước ngoài ở một loạt các lĩnh vực tài chính. Giới hạn sở hữu nước ngoài tại các công ty thực hiện các loại hợp đồng tương lai đã được dỡ bỏ trong tháng này, trong khi Bắc Kinh hồi năm ngoái cho biết sẽ có quyết định tương tự đối với các quỹ tương hỗ vào tháng 4/2020. Giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 51% tại các liên doanh bảo hiểm nhân thọ cũng đã được hủy bỏ trong tháng này.

Tương tự, cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa hệ thống thanh toán của mình cho các doanh nghiệp Mỹ theo thỏa thuận “Giai đoạn Một” cũng được đưa ra sau khi ngân hàng trung ương nước này cho biết đã chấp nhận đơn đăng ký từ một bộ phận của công ty American Express Co về việc bắt đầu các giao dịch tại Trung Quốc./.

Nguồn BNEWS/Reuters