Ngày 13/9, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng với Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố sẽ loại trừ thuế nhập khẩu đối với đậu nành, thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ khỏi việc áp thuế bổ sung, mở ra cơ hội nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp đáng kể vào Trung Quốc.

Đây là động thái nhằm đáp lại quyết định của chính quyền Tổng thống Trump về việc hoãn tăng thuế suất đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/10 đến ngày 15/10. Động thái này cũng diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 12/9 cho biết về khả năng một thỏa thuận thương mại tạm thời trong những tuần tới.

Động thái của Bắc Kinh được cho là đã làm tăng khả năng của một thỏa thuận thương mại hẹp. Tuy nhiên, đó là một thỏa thuận nhỏ, có nghĩa là sẽ không có sự leo thang thuế quan vì Trung Quốc đã đồng ý mua thêm hàng nông sản Mỹ. Nó có thể mang lại một mức độ thoải mái nhất định cho nông dân Mỹ và mang đến cho Tổng thống Trump một điều gì đó. Đây là dấu hiệu mới nhất trong một loạt các diễn biến nhanh chóng trong tuần này cho thấy nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm thúc đẩy một thỏa thuận thương mại từng phần hoặc tạm thời.Theo báo cáo của Tân Hoa Xã, Bắc Kinh sẽ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mua một số lượng nhất định các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và thịt lợn từ Mỹ. Thị trường của Trung Quốc đủ lớn và có tiềm năng lớn để nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Mỹ. Các nhà chức trách Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ sẽ tôn trọng cam kết của mình và thực hiện lời hứa để tạo điều kiện hợp tác thuận lợi cho hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cả thịt lợn và đậu nành đều phải chịu mức thuế nặng nề, áp đặt trong các đợt áp thuế liên tiếp của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ. Trung Quốc đã thực hiện ba đợt thuế bổ sung đối với thịt lợn đông lạnh của Mỹ, bao gồm 25% vào tháng 4/2018, 25% vào tháng 6/2019 và 10% khác vào tháng 9/2019, đưa mức thuế mới nhất lên 72%. Nếu tất cả các mức thuế chiến tranh thương mại được gỡ bỏ, tỷ lệ này sẽ trở về mức 12%, tức là mức thuế đối xử tối huệ quốc mà Trung Quốc áp dụng cho các đối tác thương mại khác. Trung Quốc cũng đã áp thuế 30% đối với đậu nành vàng - loại mà Mỹ phát triển dồi dào - bao gồm 25% vào tháng 6 và 5% vào ngày 1/9, đưa mức thuế hiện tại lên 33%. Nếu các mức thuế bổ sung được gỡ bỏ, thuế quan đối với đậu nành của Mỹ sẽ trở lại mức 3% - mức tương tự với các nhà nhập khẩu đậu nành Brazil.

Triển vọng cho một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sáng sủa sau khi Trung Quốc và Mỹ trao đổi cử chỉ thiện chí trước một vòng đàm phán thương mại mới dự kiến ​​diễn ra tại Washington vào tháng tới. Ngày 12/9, Tổng thống Trump cho biết muốn có một thỏa thuận rộng toàn diện nhưng bỏ ngỏ khả năng về một phiên bản giới hạn tức một thỏa thuận tạm thời. Những bình luận của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Mỹ hoãn tăng thuế quan theo kế hoạch đối với 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc đến ngày 15/10, chậm hai tuần so với dự kiến ban đầu ngày 01/10, tức là ngày Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc và là trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã hoan nghênh việc hoãn tăng thuế của Mỹ tại cuộc họp với Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung ngày 12/9.

Các cuộc họp thương mại cấp độ làm việc sẽ diễn ra vào tuần tới để mở đường cho cuộc đàm phán tháng 10 sẽ tập trung vào các vấn đề về cán cân thương mại, gia nhập thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Điều này cho thấy các cuộc đàm phán sẽ chủ yếu là về các vấn đề thương mại và đầu tư thay vì thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế hoặc an ninh Trung Quốc. Cả thế giới đang mong đợi sẽ thấy sự tiến bộ ở cuộc đàm phán Mỹ-Trung lần tới. Các chuyên gia theo dõi chặt chẽ cuộc chiến thương mại cho rằng không bên nào có tâm trạng cho sự leo thang hơn nữa của tranh chấp thương mại. Mỹ có thể lùi lại một chút về thuế quan và Trung Quốc có thể đề nghị mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, mặc dù vẫn khó có thể đạt được thỏa thuận rộng rãi về các vấn đề cơ cấu.

Nguồn: Báo Công Thương