Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất của thế giới dưới tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng chất lượng công xưởng này như thế nào lại là vấn đề đáng bàn, theo các chuyên gia kinh tế nhận định.

Thay Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới?

Những tháng qua, nhân viên khu công nghiệp DEEP C Đình Vũ luôn trong tình trạng quá tải khi lượng khách nước ngoài quan tâm đầu tư tại Hải Phòng tăng đột biến.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc khu công nghiệp DEEP C Việt Nam, cho hay nhu cầu tìm hiểu đất khu công nghiệp và khả năng đầu tư tại riêng DEEP C đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Không chỉ vậy, tổng diện tích cho thuê đất tính tới thời điểm cuối tháng 4 của công ty đã bằng với cả năm 2018.

Liên quan đến diễn biến trên, ông Jaspaert giải thích thêm rằng có thể đã có sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Theo ông, hầu hết các công ty đa quốc gia trên thế giới đều có chiến lược Trung Quốc + 1. Tức khi tiềm năng sản xuất tại Trung Quốc tới một giới hạn nhất định, họ sẽ dịch chuyển sang các quốc gia lân cận, trong đó Việt Nam là một trong những lựa chọn.

Gần đây, khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang, một số chuyên gia kinh tế nhận định chiến lược Trung Quốc + 1 sẽ càng được đẩy nhanh, thậm chí ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tìm đường “lánh nạn”. Trước bối cảnh này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thay thế Trung Quốc, trở thành “công xưởng sản xuất” của thế giới.

“Có khoảng 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đang loay hoay tìm hướng dịch chuyển đầu tư”, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nêu dẫn chứng sau buổi nói chuyện với cựu đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.

Sự dịch chuyển dòng vốn được thể hiện rõ qua các con số thống kê. Tính đến thời điểm 20-5, Việt Nam có hơn 1.360 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt xấp xỉ 6,46 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Nếu cộng thêm số vốn điều chỉnh tăng từ các dự án cũ, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm tháng đầu năm đạt gần 9,09 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm thu hút phần lớn dòng vốn FDI, đạt 4,71 tỉ đô la Mỹ, chiếm 73,5% tổng vốn đăng ký mới, theo Tổng cục Thống kê. Quan sát của ông Bruno Jaspaert cho thấy phần lớn dòng vốn đầu tư vẫn chảy vào lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, nhưng gần đây, có những dấu hiệu cho thấy nguồn vốn đã dịch chuyển sang lĩnh vực có mức độ công nghệ cao hơn, các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành ô tô Việt Nam.

Quan trọng ở chất lượng công xưởng

Dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam là cơ hội lớn, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế đất nước. Nhưng năng lực tiếp nhận vốn nước ngoài của Việt Nam cũng ở mức giới hạn, đặc biệt là nguồn lao động.

Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với tổng lực lượng lao động tính tới hết năm 2018 là 55,64 triệu người. Nhưng với tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, chỉ khoảng 5-10 năm nữa Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lao động, thậm chí cả lao động giản đơn, phục vụ các công việc lắp ráp trong nhà máy.

Theo Liên hiệp quốc, Việt Nam chỉ mất 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” - một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

“Những người sinh ra ở thời kỳ bùng nổ dân số (những năm 1980) đang ở tuổi lao động. Nhưng chỉ khoảng 10 năm nữa, lực lượng lao động này sẽ bước vào cuối tuổi làm việc. Họ sẽ không thể làm được những công việc nặng nhọc, độc hại, lắp ráp tại các dây chuyền của doanh nghiệp FDI”, ông Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế nói.
Do đó, đáp ứng được số lượng lao động giản đơn đã là bài toán khó với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, chủ yếu nằm trong đoạn gia công lắp ráp là chính. Muốn trở thành nước có mức thu nhập trung bình, Việt Nam phải vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, thông qua lực lượng lao động có trình độ. Nhưng chất lượng lao động hiện nay cũng là vấn đề đau đầu khi tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 22%, trong đó phần lớn là đào tạo bậc đại học, số lao động có tay nghề kỹ thuật rất thấp.

“Đây là bất cập lớn và cần thời gian dài để giải quyết”, ông Phạm Thế Anh nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh từ thị trường Trung Quốc đạt 1,69 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính cả nguồn vốn từ Hồng Kông và Đài Loan thì con số này lên tới 3,16 tỉ đô la Mỹ, chiếm 34,76% tổng vốn đầu tư của Việt Nam trong cùng giai đoạn.

Trung Quốc là nước mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn thứ hai trong quí 1-2019, sau Hàn Quốc. Việc Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất là một vấn đề rất đáng quan ngại, đặc biệt là vấn đề nhập siêu, theo các chuyên gia.

Một vấn đề khác là Việt Nam cũng không được hưởng lợi nhiều từ quá trình dịch chuyển sản xuất này vì các doanh nghiệp chuyển phần lớn lợi nhuận về nước họ. “Những năm qua, thu nhập của người nước ngoài tại Việt Nam chuyển ra rất lớn. Năm 2017, số tiền dịch chuyển khỏi Việt Nam khoảng 17 tỉ đô la Mỹ, năm 2018 tăng lên khoảng 20 tỉ đô la Mỹ”, ông Phạm Thế Anh trích số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đứng thứ 5 thế giới về độ mở của nền kinh tế. Việt Nam cũng là nước rộng cửa nhất đón dòng vốn FDI để khu vực này đóng góp cao nhất cho nền kinh tế. Nhưng đây cũng là vấn đề đáng quan ngại.

Mỹ là nước thu hút FDI lớn nhất thế giới, tiếp đến là Trung Quốc, vượt trội hơn Việt Nam rất nhiều. Song, nếu xét tỷ lệ FDI đóng góp trong GDP thì Việt Nam ở mức cao nhất, cao hơn hẳn Trung Quốc. Những con số gần đây cho thấy đóng góp của FDI chỉ vào khoảng 6% GDP của Trung Quốc. Trong khi đó, FDI đóng góp khoảng 20% GDP và hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nói về khả năng Việt Nam là một trong những nước thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng viễn cảnh đó đang dần trở thành hiện thực nếu nhìn dòng vốn chảy vào Việt Nam thời gian gần đây. Nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam tận dụng được gì từ công xưởng này.

Chất lượng công xưởng, theo ông Thế Anh, sẽ phụ thuộc vào một loạt chính sách từ đào tạo lao động, tiền lương, môi trường..., cho đến cả bộ lọc FDI.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn