Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ có một số quy định cứng ở mức cao hơn CPTPP yêu cầu. Điều này có thể sẽ gây thiệt hại cho các lợi ích ở Việt Nam.

Làm quá mức cam kết là không cần thiết

VCCI lấy ví dụ dự kiến sửa đổi khoản 1 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ trong Dự thảo Bộ Công thương đang gửi lấy ý kiến.

Dự thảo dự kiến sửa quy định để làm rõ hơn về trường hợp không bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chỉ dẫn địa lý đã trở thành “tên gọi chung” như sau: “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam”.
Trong khi đó, cam kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với trường hợp này là: “Trong việc xác định liệu một thuật ngữ có phải là thuật ngữ thông thường trong ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là tên gọi chung của hàng hóa tương ứng trong phạm vi lãnh thổ của một Bên hay không, cơ quan có thẩm quyền của Bên đó phải có thẩm quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó trong lãnh thổ của Bên đó như thế nào”.

Đây là lý do VCCI cho rằng, cách quy định tại Dự thảo làm hẹp phạm vi đối tượng được xem xét (từ “người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam” thành “người tiêu dùng liên quan trên lãnh thổ Việt Nam), do đó làm gia tăng khả năng một thuật ngữ có thể bị coi là “tên gọi chung” và từ đó tăng khả năng từ chối bảo hộ chỉ dẫn địa lý có chứa tên gọi chung.

Từ góc độ mục tiêu tăng cường lợi ích của người sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ, đây là cách lựa chọn phù hợp. Mặc dù vậy, với riêng trường hợp chỉ dẫn địa lý, chủ thể quyền trong trường hợp này là các cộng đồng dân cư, đặc biệt là các cộng đồng dân cư ở Việt Nam sản xuất các đặc sản (nông, lâm, thủy sản, thực phẩm từ nông lâm thủy sản địa phương…). Do đó, cách tiếp cận này dường như là “cao hơn cam kết” và chưa phù hợp với lợi ích chung của các cộng đồng này ở Việt Nam.

Hơn nữa, trong công văn gửi Vụ Pháp chế, Bộ Công thương, VCCI cũng lưu ý, cam kết này tương đối rõ ràng, và vì vậy việc quy định khác với cam kết có thể là một rủi ro cho Việt Nam.

“Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”, VCCI đề xuất cụ thể.

Tương tự, dự kiến sửa đổi khoản 3 Điều 80 cũng có tình trạng tương tự.

Dự thảo dự kiến sửa đổi 1 căn cứ từ chối bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý như sau: “Điều 80-Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:…3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm”. Theo Luật hiện hành thì trường hợp này chỉ không được bảo hộ nếu “sẽ gây nhầm lẫn”).
Theo kết cấu của Dự thảo như trên thì có thể hiểu ở trường hợp này, việc từ chối bảo hộ là tự động (cứ rơi vào trường hợp này là tự động bị từ chối).

Trong khi đó, cam kết CPTPP tại Điều 18.32.b lại như sau: “Phải quy định các thủ tục cho phép những người có lợi ích liên quan phản đối việc bảo hộ hoặc việc công nhận một chỉ dẫn địa lý, và cho phép bất kỳ việc bảo hộ hoặc việc công nhận nào đều có thể bị từ chối hoặc không chấp nhận, ít nhất trên các cơ sở dưới đây…(b) Chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước mà quyền đối với đối tượng đó đã đạt được theo pháp luật của Bên đó”.

Theo nội dung cam kết như trên thì Việt Nam chỉ có nghĩa vụ quy định về thủ tục để cho phép phản đối và từ chối, không chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong trường hợp có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Như vậy, việc Dự thảo quy định đây là căn cứ để tự động từ chối bảo hộ là vượt quá mức cam kết, qua đó gia tăng cơ hội cho chủ sở hữu nhãn hiệu và gây bất lợi cho cộng đồng dân cư sở hữu chỉ dẫn địa lý.

“Tất nhiên, cách quy định như Dự thảo sẽ dễ quy định và dễ thực thi hơn. Tuy nhiên, trong cân nhắc với lợi ích của các cộng đồng dân cư có thể bị ảnh hưởng bởi quy định này, việc lựa chọn phần “dễ” cho cơ quan thực thi, đẩy phần bất lợi cho các cộng đồng dân cư có lẽ không phải lựa chọn thích hợp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phương án khác thích hợp hơn”, VCCI đề nghị.

Đi kèm với đó là hai phương án thay thế. Một là bổ sung Điều 80a riêng cho trường hợp này; hoặc sửa đổi tên và lời dẫn của Điều 80 để biến các căn cứ tự động từ chối bảo hộ này thành các trường hợp “có thể” không được bảo hộ.

Thận trọng khi luật hóa các cam kết CPTPP

Phải nói rõ, cam kết về sở hữu trí tuệ là một trong những nhóm cam kết lớn và phức tạp nhất của CPTPP.

Về mặt nội dung, các cam kết này thuộc nhóm thể hiện rõ ràng nhất tính chất “tiêu chuẩn cao” của CPTPP, với các nghĩa vụ ràng buộc các nước thành viên cao hơn đáng kể so với mức của Hiệp định TRIPS của WTO (do đó còn gọi là mức TRIPS+).

Mặc dù CPTPP đã tạm hoãn nhiều cam kết được đánh giá là khó khăn nhất trong TPP trước đây, việc triển khai thực hiện các cam kết khác trong CPTPP cũng là một thách thức lớn với nhiều nước trong CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Thách thức của các cam kết TRIPS+ SHTT trong CPTPP đối với Việt Nam chủ yếu ở một số khía cạnh như đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi là số đông, trong đó có các cộng đồng nhạy cảm; các cam kết SHTT là cam kết áp dụng chung, diện tác động rộng; việc thực thi các cam kết SHTT có thể bị giám sát chặt chẽ…

Là nhóm cam kết gây sự chú ý nhiều nhất trong quá trình đàm phán, các cam kết về SHTT suy đoán cũng sẽ là nhóm nhận được sự giám sát sát sao của các đối tác trong quá trình thực thi. Đây là thách thức lớn với Việt Nam, đặc biệt trong việc soạn thảo quy định nội luật hóa các cam kết và thực thi các cam kết. Do vậy, VCCI đề nghị việc chuyển hóa các cam kết CPTPP vào hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ chung của Việt Nam cần được thực hiện thận trọng.

Nguồn: Báo Đầu tư