Trung Quốc đang đẩy mạnh “siết” nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường này, cho nên, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng xuất khẩu trong năm 2019 chỉ 0,8%.

Phát biểu khai mạc hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam" được tổ chức hôm nay, 15-3, ở Long An, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng với tốc độ cao”.

Dẫn chứng điều này, theo ông Doanh, nếu như năm 2003, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ đạt trên 151 triệu đô la Mỹ, thì năm 2013 đã vượt 1 tỉ đô la. Đến năm 2016, đạt 2,458 tỉ đô la và trong năm ngoái (2018) đã đạt trên 3,8 tỉ đô la.

Tuy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả liên tục tăng (80% giá trị xuất khẩu thuộc về cây ăn trái), nhưng ngành nông nghiệp đặt mục tiêu khá khiêm tốn về kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Cụ thể, báo cáo của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2019 đạt 3,83 tỉ đô la, tăng 0,8% so với 2018.

Ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, trong hơn 3,8 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018, thì có 55 thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam. Trong đó, có 14 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu đô la, 5 thị trường xuất từ 10-20 triệu đô và 36 thị trường xuất từ 1-10 triệu đô la.

Theo ông Công, trong năm 2019, bằng việc tham gia hội nhập rất sâu vào các hiệp định thương mại tự do được xem là nền tảng cho mặt hàng rau quả Việt Nam tiếp cận thị trường. “Dư địa khai thác thị trường còn rất lớn vì Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu trái cây mới chỉ chiếm 1,4-1,5% giá trị nhập khẩu của thế giới”, ông cho biết và nói rằng nhu cầu tiêu dùng tiếp tục gia tăng cũng là một điểm thuận lợi.

Tuy nhiên, như nêu ở trên, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng xuất khẩu rau quả năm 2019 chỉ 0,8% so với 2018. Bởi, theo ông Công, thị trường Trung Quốc, chiếm 81% giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam và riêng mặt hàng thanh long chiếm đến 98%, cho nên, bất cứ động thái nào từ này đều ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, theo ông, trong năm nay Trung Quốc đã tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, tăng chính ngạch và đề ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu..., cũng là lý do "dè chừng" cho mục tiêu xuất khẩu năm 2019.

“Các nước gia tăng áp dụng biện pháp kỹ thuật, kéo dài thời gian đánh giá rủi ro đối với các hồ sơ chúng ta xin mở cửa thị trường cũng là lý do”, ông cho biết và nói rằng xu hướng các thị trường khác tăng cường đưa ra các quy định về hàng rào kỹ thuật cao hơn như Liên minh châu Âu (EU) cũng là yếu tố cản trở.

Trong khi đó, ở khía cạnh trong nước, theo ông Công, việc các doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng được một số yêu cầu của thị trường, cạnh tranh không lành mạnh và đưa sản phẩm không đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn để trà trộn vào đã gây ảnh hưởng đến các sản phẩm, doanh nghiệp làm ăn bài bản, dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

“Một yếu tố nữa, là trong nước dù đẩy nhanh chứng nhận VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và các chứng nhận khác, nhưng tỷ lệ này còn thấp và diện tích yêu cầu được cấp mã số vùng trồng cũng như các cơ sở vật chất cũng còn yếu và thiếu”, ông cho biết.
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An nói rằng, việc ngành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2019 như nêu trên là theo sát tình hình vì năm ngoái ngành này đã dốc toàn lực để xuất khẩu.

“Chẳng hạn, trái sầu riêng chúng ta đã làm rất mạnh rồi, nhưng trái sầu riêng lại chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc nên nếu bây giờ họ “ách lại” sẽ còn giảm nữa”, ông dẫn chứng và nói rằng việc Trung Quốc “siết” nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cho nên, đó cũng là lý do để ngành nông nghiệp “dè chừng” trong mục tiêu.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn