Sau gần 6 năm và 26 vòng đàm phán, đã đến lúc các nhóm đàm phán phải tiến về phía trước vì lợi ích chung của khu vực Đông Á. Đánh giá từ vòng đàm phán tại Bali và Hội nghị cấp Bộ trưởng mới nhất ở Siêm Riệp (Campuchia), vào cuối tháng 2, vẫn khó có thể kết thúc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm Thái Lan là chủ tịch ASEAN, trừ khi các nhà lãnh đạo đưa ra một cú huých lớn. 

Mỗi phút trôi qua đều quyết định liệu khối thương mại tự do kinh tế lớn nhất thế giới có trở thành hiện thực trong tương lai gần hay không. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chứng minh một cách hiệu quả rằng, ý chí chính trị và cam kết sâu sắc của các nhà lãnh đạo đã dẫn đến thành công của hiệp định, ngay cả khi không có Hoa Kỳ.

Tại Siêm Riệp đầu tháng 3 vừa qua, các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại của 16 quốc gia thành viên RCEP đã có thể đồng ý về các bước tiếp theo để thu hẹp khoảng cách về các vấn đề liên quan tiếp cận thị trường và giảm thuế giữa các nước. Dự kiến sẽ có tới 8 cuộc họp đàm phán RCEP trong năm nay, với ít nhất 4 cuộc họp giữa các ủy ban khác nhau. Kết quả đàm phán sẽ được trình bày vào tháng 11 tại hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3.

RCEP được bắt đầu từ sáng kiến của ASEAN đưa ra năm 2011 khi khối này nhận thấy rằng, các quốc gia thành viên cần củng cố thêm 5 hiệp định thương mại tự do hiện tại của ASEAN với các đối tác đối thoại. Đến nay, ASEAN đã ký 6 FTA với Australia và New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông. Vòng đàm phán RCEP đầu tiên đã bắt đầu một cách nghiêm túc tại Brunei vào tháng 5/2013. Vòng đàm phán thứ 25 vừa được tổ chức tại Bali vào tháng 2 và Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7 được tổ chức ngay sau đó tại Siêm Riệp. Không giống như CPTPP, hiệp định RCEP mang lại sự ưu đãi và linh hoạt hơn cho các nền kinh tế kém phát triển.

Với các cuộc bầu cử trong năm nay tại 4 quốc gia RCEP gồm Ấn Độ, Australia, Indonesia và Thái Lan - một số nước không thể thực hiện các cam kết mạnh mẽ về tiếp cận thị trường và giảm thuế. Đối với các nhà đàm phán còn lại, sự tính toán lại như vậy được coi là cái cớ để đưa ra các cuộc đàm phán. Các chuyên gia cảm thấy lo lắng khi nhìn vào ma trận tiến bộ trong danh sách tiếp cận thị trường và các bảo lưu, được biểu tượng bằng ba màu - xanh lá cây, vàng và cam - cho thấy mức độ thành công khác nhau. Màu xanh lá cây, với nghĩa là đã được thực hiện, có tỷ lệ tiến bộ là 46,2%; màu vàng, có nghĩa là các nội dung hiệp định rất có thể đạt được trong năm nay, nhận được 44,4% và màu cam, có nghĩa là khó khăn để từ bỏ một thỏa thuận trong 9 tháng tới, ở mức 9,4%. Ấn Độ có nhiều màu cam và vàng hơn các quốc gia RCEP khác. Các nhà đàm phán đang hy vọng, sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, Ấn Độ sẽ có nhiều cam kết về dịch vụ hơn.

Tương tự, cả Indonesia và Australia có thể sẽ có những đóng góp và đề nghị rõ ràng hơn nhiều sau cuộc bầu cử sắp tới. Không giống như các cuộc bầu cử của các quốc gia khác, cuộc bầu cử vào ngày 24/3 ở Thái Lan là một điểm cần thiết khi có liên quan đến các cuộc đàm phán RCEP. Nó sẽ có ít hoặc không ảnh hưởng đến cam kết của năm Chủ tịch ASEAN trong việc kết thúc RCEP.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh ngoài khu vực, những bất ổn toàn cầu đã đặt ra tính khẩn cấp để kết thúc RCEP; nếu không, quá trình đàm phán sẽ mất đi sự đáng tin cậy, vì các thành viên có thể trở nên cứng nhắc hơn. Khi thời gian ngày càng ngắn, điều bắt buộc là mỗi thành viên phải đủ linh hoạt để có thể thống nhất được trong các cuộc đàm phán. Trên thực tế, sự chồng chéo của các FTA khác nhau giữa các thành viên RCEP đã khiến môi trường đàm phán thương mại trở nên rất khó khăn.

Tại cuộc họp ở Siêm Riệp, chủ tọa đã thúc giục đội ngũ kỹ thuật tích cực xây dựng hơn trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề, thay vì tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa. Những thay đổi thường xuyên của các bộ và chính phủ trong nhóm đàm phán cũng đã làm chậm các cuộc đàm phán. Đáng chú ý là số lượng các nhà đàm phán đã tăng lên rất nhiều, từ khoảng 65 người trong vòng đàm phán đầu tiên vào năm 2012 lên gần 750 người trong vòng đàm phán mới nhất.

Để thúc đẩy đàm phán trong thời điểm quan trọng này, tất cả các nhà đàm phán phải tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và ngăn chặn chiến lược "đánh đổi". Tất cả các thành viên RCEP phải thực tế và không được trộn lẫn kinh nghiệm đàm phán các FTA khác với RCEP. Vì 7 trong số 11 thành viên của CPTPP đều đang tham gia RCEP và 4 thành viên thuộc ASEAN. Hơn nữa, đã có một số FTA lớn được hoàn tất và một số hiệp định lớn khác đang được đàm phán như EU-MERCOSUR, Trung Quốc- Nhật Bản - Hàn Quốc, EU - Mexico. Hiện nay, tổng GDP của CPTPP là khoảng 10,2 nghìn tỷ USD. Các FTA song phương khác có giá trị GDP lớn hơn nhiều, chẳng hạn khối thương mại tự do EU- Nhật Bản là 21,3 nghìn tỷ USD, trong khi NAFTA là 21,1 nghìn tỷ USD. Tổng GDP của RCEP là 17 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi so với CPTPP, chiếm 31,6% sản lượng toàn cầu, và 28,5% thương mại thế giới, là 1/5 dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu vào năm 2016. Nếu muốn thúc đẩy RCEP về đích, nước Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan cần phải thuyết phục tất cả các thành viên linh hoạt hơn trong cách tiếp cận.

Nguồn: Báo Công thương