Nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội sản xuất sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, tuy nhiên tất cả chỉ mới dừng ở động thái khảo sát.

Doanh nghiệp đến tìm hiểu gia tăng

Trưởng phòng quản lý kinh doanh của một công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp ở Bình Dương chia sẻ tình hình thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp này trong năm qua tăng khá cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa rõ do các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài ở Trung Quốc dịch chuyển sang hay do chiều hướng vốn ngoại tiếp tục tăng cao vào Việt Nam.

Mùa hè năm ngoái, Washington và Bắc Kinh đã kích hoạt xung đột thương mại bằng cách áp dụng thuế suất bổ sung cho hàng trăm tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu lẫn nhau. Khi đó, giới phân tích dự báo rằng thuế quan có thể khiến các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ và Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc, mà Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến tiếp theo.

Theo đại diện doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp nói trên, ngay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, lượng nhà đầu tư nước ngoài đến công ty ông tìm hiểu cơ hội xây nhà xưởng tăng cao rõ rệt. Đa số họ là những doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số đến từ khu vực châu Âu.

“Một số doanh nghiệp chia sẻ rằng họ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư nhằm dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang”, vị này nói. Tuy nhiên, từ việc tìm hiểu, khảo sát đến quyết định đầu tư cần một thời gian khá dài, trong khi đó, họ vẫn tiếp tục theo dõi kỹ diễn biến thương chiến Mỹ - Trung.

Tương tự, theo ông Trần Duy Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Kizuna ở tỉnh Long An, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đã có doanh nghiệp chia sẻ về kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp Kizuna đồng thời thu hẹp quy mô sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng tại Việt Nam của doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa thực hiện.

Không dễ dịch chuyển ngay

Như vậy động thái các doanh nghiệp ngoại ở Trung Quốc đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư là có, nhưng để các doanh nghiệp này đi đến quyết định và triển khai thực hiện, thì theo các chuyên gia, không thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Trường hợp này được cho là đúng với tính cách của doanh nghiệp Nhật, vốn được đánh giá là rất thận trọng. Trả lời câu hỏi liên quan đến nhận định này, ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho rằng doanh nghiệp Nhật cần nhiều thời gian trước khi quyết định bất cứ vấn đề gì. Việt Nam luôn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, tuy nhiên, việc dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp nước này từ Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa thấy diễn ra.

Còn ông Trần Duy Vũ của khu công nghiệp Kizuna cho rằng doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc sẽ di dời nhà xưởng hoặc mở rộng đầu tư sang nước khác chỉ khi doanh nghiệp đó có xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang Mỹ và bị Mỹ áp thuế suất bổ sung cao. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này vẫn đang nghe ngóng tình hình xem cuộc chiến sẽ diễn ra trong ngắn hạn hay kéo dài để đi đến quyết định cuối cùng.

Theo đánh giá của ông Vũ, việc dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc không dễ dàng, bởi sức hấp dẫn của thị trường hơn một tỉ dân là rất lớn. Hơn nữa, Trung Quốc là cơ sở sản xuất toàn cầu, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều nước trên thế giới nên rời bỏ Trung Quốc, các nhà đầu tư sẽ phải tìm nguồn cung ứng khác, dẫn đến tăng chi phí sản xuất...

Mặt khác, có ý kiến cho rằng lao động Việt Nam có chi phí thấp nhưng đi liền là năng suất thấp. Ngược lại, mặc dù lương công nhân Trung Quốc cao nhưng năng suất của họ hơn Việt Nam.

Trong một bài viết liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trang CNBC đưa ra một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh rằng, gần hai phần ba số công ty Mỹ cho biết họ sẽ không cân nhắc việc di chuyển nhà máy hoặc có động thái tương tự. Chỉ có 13 trong số hơn 430 công ty được khảo sát đang xem xét việc rời khỏi Trung Quốc và lựa chọn Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu. Tuy nhiên, việc dịch chuyển sẽ rất chậm và mất nhiều thời gian.

CNBC còn dẫn lời của ông Nick Marro, một nhà phân tích tại Hồng Kông, rằng việc di chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang một nước khác trên thực tế sẽ mất từ 3-5 năm. Ông Marro dự báo, căng thẳng Mỹ-Trung là một cuộc xung đột dài hạn. Tuy nhiên, các công ty Mỹ sẽ ở lại Trung Quốc vì một lý do khác, đó là khai thác thị trường tiêu dùng ngày càng tăng.

Đầu tuần trước (25-2), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hoãn việc tăng thuế đối với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc. Như vậy, khả năng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác càng lâu hơn hoặc sẽ không xảy ra nữa nếu Mỹ-Trung không còn căng thẳng.

Cần cơ chế mới

Bên cạnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo giới phân tích, chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên khiến các công ty Trung Quốc và những công ty nước ngoài ở thị trường này hướng tới khu vực Đông Nam Á để thiết lập các trung tâm sản xuất mới, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng nếu không xảy ra căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế thì Việt Nam vẫn đang là một trong những điểm đến của nhiều nhà đầu tư ngoại nhờ kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, hội nhập quốc tế sâu rộng, thị trường lớn, lao động trẻ, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, và Chính phủ có sự quyết tâm cao trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức ở Hà Nội cũng cho thấy Việt Nam được đánh giá là đất nước hòa bình, ổn định để nhà đầu tư yên tâm làm ăn.

Vấn đề hiện nay, theo giới phân tích, Việt Nam cần chú ý đến chất lượng của dự án đầu tư hơn là số lượng, không nên để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam như một thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp và là một điểm đến nhằm phân tán rủi ro từ Trung Quốc.
Tại hội nghị tham vấn và định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới tại tỉnh Bình Dương vào trung tuần tháng 2 rồi, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, Lào, Campuchia, cũng khuyến cáo trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất đi nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI “thế hệ mới”, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước vừa liên kết được hai khối này với nhau.

Theo ông Kelhofer, muốn có thế hệ FDI mới, Việt Nam phải tạo ra sự chuyển dịch thu hút chiến lược ở các khối ngành khác nhau, mang tính tổng thể chứ không căn cứ vào các doanh nghiệp FDI cụ thể. Ưu đãi từ thuế nên chuyển sang ưu đãi thông qua hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng, thúc đẩy hơn việc bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp FDI, tận dụng hiệu quả các hiệp định tự do thương mại.

Tương tự, nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc Youngsup Joo cho rằng Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thu hút FDI theo chiều ngang, tức là doanh nghiệp trong nước không còn là “nhà thầu phụ” nữa mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất cũng như hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn