Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành vòng đàm phán thương mại cấp cao được xem là mang tính quyết định trước thời điểm"thỏa thuận đình chiến" 90 ngày giữa hai bên hết hiệu lực vào ngày 1/3.

Vòng đàm phán tại Bắc Kinh từ ngày 14-15/2, với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, tập trung vào các vấn đề mang tính cơ cấu mà phía Mỹ đặc biệt quan tâm.

Nếu ở vòng đàm phán mới nhất, hai bên đã giải quyết một loạt bất đồng, trong đó có việc Trung Quốc cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - một trong những yêu cầu chủ chốt của Washington - thì tại vòng đàm phán lần này, quyền sở hữu trí tuệ, điều chỉnh cấu trúc và chính sách kinh tế, trong đó có trợ cấp chính phủ, bảo hộ thị trường nội địa, hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Trung Quốc... sẽ được đoàn Mỹ đưa ra bàn đàm phán.
Vòng đàm phán này diễn ra với khá nhiều tín hiệu tích cực. Cách đây nửa tháng, các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau ở Washington, mà kết quả là một bầu không khí thiện chí và lạc quan hiếm có đang lan tỏa.

Tuy không có thỏa thuận nào được đưa ra tại cuộc gặp cuối tháng 1, song hai bên nhận định đàm phán diễn ra tích cực, trong đó những vấn đề mấu chốt đã đạt được tiến triển quan trọng.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ca ngợi những “tiến bộ to lớn” sau vòng đàm phán này. Bản thân kết quả này đã tạo tiền đề thuận lợi cho cuộc đàm phán tại Bắc Kinh.
Cả Mỹ và Trung Quốc đã có những động thái được xem là tạo động lực cho vòng đàm phán cấp cao lần này, trong đó phải kể đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ để ngỏ khả năng lùi “một chút” thời hạn chót tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/3 tới, nếu hai bên có thể tiến gần đến việc đạt thỏa thuận.

Gợi ý về một sự nhượng bộ mang tính đột phá của ông chủ Nhà Trắng cho thấy Washington muốn trao cơ hội nữa cho cuộc đối thoại lần này, mở ra hy vọng về một thỏa thuận song phương giúp tránh một cuộc chiến thương mại không ai thắng.

Bên cạnh đó, tuyên bố của ông Trump có thể hiểu rằng các cuộc đàm phán song phương đang đi đúng hướng và đạt mục tiêu đề ra.

Mặt khác, việc Tổng thống Trump đề cập tới một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 3, cũng như sự thừa nhận của ông chủ Nhà Trắng rằng lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước có thể tham gia trực tiếp giải quyết vấn đề khó khăn này để đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Ông Trump lưu ý rằng hai nhà lãnh đạo có thể “thực hiện các phần của thỏa thuận mà nhóm đàm phán có thể không làm được”.

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Hoa Xuân Oánh khẳng định mong muốn đạt kết quả tốt trong cuộc đàm phán thương mại.

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khẳng định không có lựa chọn nào tốt hơn cho hai nước ngoài sự hợp tác.

Theo ông, hai nước nên giải quyết thỏa đáng những bất đồng và hỗ trợ các lợi ích của nhau, cùng giải tỏa những quan ngại của nhau. Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng cái gọi là "chia tách Trung-Mỹ" sẽ là thảm họa đối với hai nền kinh tế này nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Bên cạnh những tuyên bố, Trung Quốc đã bước đầu chứng minh cam kết của mình về giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Thống kê mới nhất cho thấy thâm hụt thương mại Trung Quốc - Mỹ trong tháng 1 đã giảm còn 27,3 tỷ USD từ mức 29,87 tỷ USD hồi tháng 12 năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng đã giảm 2,4% so với năm ngoái, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã tăng hơn 40%.

Ngay trước vòng đàm phán chính thức, giới chức Mỹ đã có mặt ở Bắc Kinh từ ngày 11/2 để tiến hành các cuộc gặp trù bị ở cấp thứ trưởng, với nội dung thảo luận xoay quanh những vấn đề mang tính kỹ thuật, trong đó có một cơ chế thực thi thỏa thuận mà hai bên có thể đạt được. Điều này cho thấy nỗ lực của hai nước.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cụ thể trong cuộc đàm phán lần này cũng rất mong manh.

Thực chất, những yêu cầu của Mỹ liên quan việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ và hạn chế chính phủ bảo trợ cho các nhà xuất khẩu là những vấn đề mang tính gốc rễ.

Chuyên gia kinh tế Eswar Prasad tại Đại học Cornell, đồng thời là người phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng tại cuộc đàm phán, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định trước yêu cầu của Mỹ trong một số vấn đề, cụ thể là thay đổi chính sách công nghiệp và vai trò nhà nước trong nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế cấp cao châu Á thuộc công ty tư vấn Oxford Economics của Anh, Sian Fenner nhận định việc Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý điều chỉnh chính sách và cơ cấu kinh tế là điều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và chính sách công nghiệp,
Cũng có thể thấy rằng mục tiêu giải quyết bất đồng thương mại với Trung Quốc nằm trong kế hoạch tái tranh cử tổng thống vào năm tới của Tổng thống Trump.

Ông chủ Nhà Trắng đang cần sự ủng hộ của cử tri và thành công, dù không nhiều trong vấn đề này, cũng sẽ giúp ông giành nhiều lợi thế. Trong khi đó, Trung Quốc, dù thể hiện lập trường cứng rắn, cũng chịu nhượng bộ trong việc giải quyết thâm hụt thương mại với Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu chững lại.

Trong năm 2018, các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, doanh số xe ô tô, bán lẻ và đầu tư đều giảm tới mức thấp báo động.

Những thông điệp hòa giải của Tổng thống Trump hay những nhượng bộ của Bắc Kinh dường như là cách hai bên tạo cho nhau nhiều thời gian hơn để dần dần từng bước tiến tới một thỏa hiệp đôi bên cùng có lợi, khi mà những mâu thuẫn sâu xa giữa Trung Quốc và Mỹ quá khó hóa giải.

Giới phân tích gọi đây là chiến thuật "câu giờ" linh hoạt của cả Mỹ và Trung Quốc để tránh mâu thuẫn thương mại đưa quan hệ hai nước vào vòng xoáy rối ren không có lối thoát./.

Nguồn: TTXVN/ BNews