Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm nội thất của thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành gỗ Việt Nam cần có một tầm nhìn và các giải pháp ở cấp quốc gia.

Mặt hàng XK mũi nhọn

Chia sẻ về chặng đường hơn 20 năm của ngành gỗ Việt Nam, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Việt Nam (Hawa) - cho biết: Hành trình của gỗ Việt không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Khi các DN ngành gỗ đẩy mạnh XK sang thị trường châu Âu và Mỹ, thì các tổ chức nước ngoài đã quay lại điều tra về nguồn gốc gỗ của Việt Nam. Ông Hạnh cho biết, chiến lược của chúng tôi lúc đó là ai bán sản phẩm ở thị trường nào thì tốt nhất nên mua gỗ ở thị trường đó.

Bước qua thời kỳ khó khăn nhất, chế biến gỗ và lâm sản XK đã và đang là ngành có đóng góp tích cực vào GDP của cả nước. Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam từng bước viết lên những kỷ lục của riêng mình. Nếu như năm 2000, doanh số XK gỗ chỉ mới được 220 triệu USD thì đến năm 2018, giá trị XK lâm sản đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Cho đến thời điểm này, lâm sản đã đứng trong top 6 mặt hàng XK mũi nhọn trong toàn bộ giá trị XK Việt Nam, với tỷ lệ tăng trưởng 16,6%.

CEO Phạm Phú Ngọc Trai - Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC - nhận định: Với thế giới, khả năng chế tác thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ của Việt Nam đã được ghi nhận. Bằng chứng là đồ nội thất "Made in Vietnam" đã có mặt khắp thế giới. Thậm chí, phân khúc cao cấp nhất, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp của quốc tế, DN gỗ Việt Nam cũng đã tham gia.

Gom các nguồn lực

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, "chúng ta cần một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa để biến Việt Nam trở thành một trung tâm nội thất của thế giới. Trong chiến lược được thống nhất từ các bên liên quan, bao gồm nhà nước, hiệp hội đến từng DN của ngành gỗ. Và trong những giai đọan đầu để hình thành và dẫn dắt nhằm khai thác và gắn kết các nguồn lực của nền kinh tế, trước tiên, cần có sự quan tâm và quyết liệt từ Chính phủ".

Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về XK đồ gỗ. Thế mạnh lớn nhất của chúng ta là sản xuất, do đó, rất cần trung tâm triển lãm để tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm cho khách hàng thế giới lẫn bản địa.

Cùng với đó, nhà nước cần đầu tư để tổ chức một trung tâm phân phối thương mại quốc tế. Đó sẽ là chợ đầu mối nguyên liệu và sản phẩm nội thất để DN trong ngành có thể kết nối, giao thương trong nước và quốc tế. "Thay vì bước ra thị trường thế giới đơn lẻ như hiện nay, cần gom nguồn lực lại để DN nước ngoài thấy được thực lực toàn ngành sẽ hiệu quả hơn cho sự phát triển chung cũng như của từng DN" -CEO Phạm Phú Ngọc Trai nhấn mạnh.

Trong mục tiêu 20 tỷ USD XK mà Chính phủ đặt ra vào năm 2025 của ngành gỗ, nếu toàn ngành tổng hợp nguồn lực, chắc chắn, đây sẽ là câu chuyện DN gỗ Việt Nam "chắp bút" thành công trên hành trình vươn ra thế giới.

Nguồn: Báo Công thương