Những công ty hàng đầu của Mỹ như Apple hay General Motors đã gánh chịu những hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng không chỉ các công ty lớn này, mà cả các công ty nhỏ hơn, hay các hộ gia đình trung lưu ở Mỹ cũng gánh chịu thiệt hại tương tự. Trong quan hệ thương mại song phương, người Mỹ cần đến Trung Quốc nhiều hơn là người ta tưởng.

Tác giả Shang-Jin We, nguyên kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện là giáo sư về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc và là giáo sư về Tài chính và Kinh tế thuộc Đại học Columbia, nhận định như vậy trong bài viết đăng trên Project Syndicate.

Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc bình thường hóa quan hệ thương mại của nước này với Mỹ, nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được rằng điều này cũng có lợi cho Mỹ.
Khi người khổng lồ về kỹ thuật của Mỹ là Apple mới đây hạ dự báo về doanh thu của mình, CEO của công ty này là Tim Cook đã coi việc hàng bán ra suy giảm ở Trung Quốc - là nơi mà cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm cho những tác động của một nền kinh tế phát triển chậm lại trở nên tồi tệ hơn nữa - là một nhân tố đóng góp quan trọng.  

Việc kinh doanh của Apple co lại làm nổi bật một điều là thị trường Trung Quốc đã trở nên quan trọng như thế nào đối với nhiều công ty Mỹ - đồng thời cũng cho thấy những nguy cơ mà chủ nghĩa bảo hộ của Trump đang tạo ra đối với nền kinh tế  Mỹ.

Sự thật là Apple đang bán ra số lượng iPhone và iPad cho người Trung Quốc nhiều hơn những gì mà những số liệu thống kê về xuất khẩu của Mỹ tiết lộ.

Tương tự như vậy, hãng General Motors bán được số lượng ôtô ở Trung Quốc nhiều hơn những gì được ghi nhận theo những số liệu xuất khẩu được công bố của Mỹ - trên thực tế, nhiều hơn số lượng xe được bán ra ở Mỹ và Canada cộng lại.

Lý do là những công ty này, giống như nhiều công ty khác, đang hoạt động ở Trung Quốc và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Trong khi đó, rất ít công ty Trung Quốc bán hàng trực tiếp cho người dùng ở Mỹ.

Do các công ty Mỹ đã tăng cường hoạt động của họ ở Trung Quốc trong thời gian qua, nên những số liệu thống kê về thương mại song phương chỉ phản ánh một phần tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với kinh tế Mỹ.

Từ năm 2000 đến 2018, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 530% - vượt xa mức tăng lũy tiến là 130% xuất khẩu của Mỹ ra thế giới nói chung. Đây là kết quả trực tiếp của quá trình tự do hóa thương mại đáng kể và mang tính chất đơn phương mà Trung Quốc theo đuổi sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, bao gồm việc giảm thuế quan mà nước này áp dụng từ mức 30% trước khi gia nhập WTO xuống còn chưa đến 6% hiện nay.

Từ năm 2000 đến 2018, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 530% - vượt xa mức tăng lũy tiến là 130% xuất khẩu của Mỹ ra thế giới nói chung

Ngoài ra, khoảng một nửa số hàng hóa sản xuất trên khắp thế giới nhập khẩu vào Trung Quốc hiện chỉ chịu mức thuế 0%.

Tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng của Trung Quốc đã hỗ trợ cho việc nhập khẩu, nhưng tốc độ tăng trưởng đó có được cũng là nhờ qua trình tự do hóa thương mại và những cải cách theo hướng thị trường khác. Không có nước nào gỡ bỏ các hàng rào đối với thương mại hay thực hiện những cải cách theo hướng thị trường nhiều hơn Trung Quốc trong bốn thập niên qua.

Những cải cách theo hướng thị trường của Trung Quốc đã tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tạo điều kiện cho các công ty thuộc khu vực tư nhân - trong nước lẫn thuộc sở hữu nước ngoài - phát triển thịnh vượng và, trong nhiều trường hợp, đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn các công ty do nhà nước sở hữu.

Điều này hoàn toàn tương phản với cách diễn giải mà một số người đưa ra là Trung Quốc phần lớn không thèm đếm xỉa hay lẩn tránh những cam kết mà nước này đưa ra khi gia nhập WTO. Nếu quả thực như vậy, thì Trung Quốc đơn thuần không thể tìm được cách tăng trưởng nhanh hơn 95% quốc gia trên thế giới kể từ năm 2001.

Một số người lập luận rằng thậm chí cho dù các doanh nghiệp Mỹ đã được hưởng lợi từ việc được tiếp cận thị trường Trung Quốc, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang gây thiệt hại cho người lao động Mỹ, do công ăn việc làm của họ phải chịu sự cạnh tranh xuất phát từ đồng lương rẻ mạt của các công nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc có được hàng hóa nhập khẩu rẻ mạt từ Trung Quốc đã giúp làm giảm giá hàng hóa không chỉ cho người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là những gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình - mà còn cho cả các doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ họ tạo ra công ăn việc làm.
Gần 40% hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ là phụ tùng, linh kiện và sản phẩm trung gian. Những tiết kiệm về chi phí mà những hàng hóa nhập khẩu này mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này, tạo điều kiện cho họ có thể thuê mướn thêm công nhân.

Theo nghiên cứu, số công ăn việc làm mà hiệu ứng của dây chuyền cung này tạo ra còn lớn hơn số việc làm bị mất đi do cạnh tranh trực tiếp của Trung Quốc. Trong khi những công ăn việc làm bị mất đi tập trung vào một vài lĩnh vực sản xuất, thì số lượng công ăn việc làm có được từ buôn bán với Trung Quốc lại trải rộng khắp nền kinh tế, bao gồm nhiều lĩnh vực dịch vụ hiện đại.

Nhờ hiệu ứng tạo công ăn việc làm này, thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang đem lại lợi ích cho 75% người lao động Mỹ, thậm chí chưa tính đến tác động tích cực đối với sức mua cũng như bất kỳ việc chuyển thu nhập từ kẻ thắng sang người  thua.

Tuy nhiên, nhiều người ở Mỹ tiếp tục chỉ tập trung vào vai trò tiềm tàng của thương mại mở đối với việc mất công ăn việc làm. Khi một công ty Mỹ sa thải công nhân, thương mại với Trung Quốc thường bị coi là nguyên nhân. Nhưng khi một công ty Mỹ thuê thêm công nhân, hiếm khi nghe thấy ai đó nói rằng hàng hóa rẻ hơn từ Trung Quốc là gốc rễ của việc này.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi từ việc bình thường hóa quan hệ buôn bán song phương
Một số người ở Mỹ đang kêu gọi tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi kinh tế Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, các công ty Mỹ đang sử dụng hàng hóa của Trung Quốc sẽ mất đi tính cạnh tranh so với các công ty châu Âu và Nhật Bản, những công nhân mà các công ty này thuê mướn sẽ mất công ăn việc làm, và mức sống của các hộ gia đình có thu nhập ở mức thấp và trung lưu sẽ phải trả giá khi giá nhiều mặt hàng hóa tăng lên.

Điều này không có ý nói rằng Trung Quốc không cần phải thay đổi gì cả. Nước này nên hạ các hàng rào cản trở thương mại xuống thấp hơn nữa, giảm trợ cấp đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, giảm bớt những hạn chế đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc, và tăng cường quyền sở hữu tài sản trí tuệ.

Nhưng muốn để thương mại song phương trở nên công bằng hơn và hiệu quả hơn, Mỹ cũng cần phải thực hiện những thay đổi. Ví dụ, nước này nên giảm mức thuế cao (thường là trong phạm vi 20%) đối với hàng dệt và may mặc, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc.

Mỹ cũng nên cải cách chế độ chống bán phá giá của nước này (bằng việc cho sáp nhập trở lại với chế độ chống độc quyền) và thay đổi những quy định không công bằng là cái, thông qua việc áp mức chi phí sản xuất của các nước có chi phí sản xuất cao hơn đối với hàng hóa sản xuất của Trung Quốc, đẩy các nhà xuất khẩu Trung Quốc vào vị trí bất lợi giả tạo.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi từ việc bình thường hóa quan hệ buôn bán song phương. Trong khi việc cải cách chính sách là công việc khó khăn ở bất kỳ nơi nào thì nhờ những sức ép về chính trị và những lợi ích khác, việc quay trở lại một đường hướng giải quyết cân bằng có thể là chìa khóa cho việc duy trì tiến bộ ở cả hai  nước.

Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo sẽ có được sự can đảm và trí tuệ cần thiết để đưa mối quan hệ trở lại đúng đường hay không./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus