Ngày 14/1, ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam sau khi có hiệu lực tại 6 quốc gia lưu vực Thái Bình Dương, sẽ tiếp sức cho tự do thương mại. 

Bước tiến này minh chứng cho những nỗ lực hướng về tự do thương mại và các hình thái thương mại vẫn đang liên tục dịch chuyển bất chấp căng thẳng thương mại đang diễn ra trên thế giới.

Cụ thể, CPTPP là một hiệp định có tầm ảnh hưởng sâu rộng giúp tự do hóa thương mại và đầu tư tại 11 nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương bao gồm: Canada, Australia, Brunei, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 

Về cơ bản, CPTPP sẽ giảm 95% các loại thuế quan giữa các nước thành viên, trong đó Việt Nam có thể kỳ vọng hưởng lợi ngay lập tức về mặt thương mại, đặc biệt là trong các hoạt động xuất khẩu như cắt giảm thuế trong lĩnh vực dệt may và giày dép từ phần lớn các nước thành viên CPTPP sau khi hiệp định có hiệu lực.

Mặc dù sự thay đổi là không đáng kể đối với các thị trường Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương, nhưng đối với một số thị trường, tác động sẽ rất tích cực.

Đơn cử, Canada là thị trường lớn thứ hai trong số các nước thành viên CPTPP mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại song phương. Quốc gia này cam kết cắt giảm 94,9% các dòng thuế nhập khẩu, hay 77,9% doanh thu nhập khẩu từ Việt Nam.

Đối với Mexico và Peru, CPTPP tác động khá tích cực khi việc nhập và xuất các sản phẩm từ hai thị trường này mang tính hỗ trợ rất nhiều thay vì xung đột với thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết trong bối cảnh các căng thẳng thương mại, CPTPP đi vào hoạt động cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong định hướng mở cửa, tự do hóa và xây dựng hệ thống thương mại dựa trên luật định.

Đồng thời, CPTPP thực sự có ý nghĩa toàn diện và tiến bộ thể hiện ở cách điều phối các hoạt động thương mại và đầu tư khi góp phần giải quyết được một số vấn đề như thương mại điện tử và an toàn dữ liệu.

Các doanh nghiệp chắc chắn hưởng lợi từ khả năng tiếp cận 500 triệu người tiêu dùng và quy định về sự minh bạch do hiệp định này mang lại trong bối cảnh có nhiều bất ổn về chính sách thương mại.

Còn theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách tại Việt Nam trong một số lĩnh vực như cạnh tranh, dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ...

Bên cạnh đó, CPTPP không chỉ thúc đẩy thương mại của các nước thành viên - ước tính đến 2030 xuất khẩu của các nước CPTPP sẽ tăng hơn 6%, nhất là 8% đối với Việt Nam, mà còn dẫn đến sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các dòng thương mại hướng về các nước thành viên, nhờ vào sức cạnh tranh tăng khi cơ hội tiếp cận thị trường cải thiện.

Việc áp dụng CPTPP sẽ mang đến nhiều lợi ích trong thập kỷ tới khi các dòng thuế quan còn lại sẽ giảm dần. Theo kết quả khảo sát HSBC Navigator, gần 4/10 (39%) các doanh nghiệp tại các nước thành viên CPTPP, trong số đó có các doanh nghiệp tại Việt Nam, tin rằng hiệp định này sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của họ không chỉ hiện tại mà còn ở tương lai.

Còn một số chuyên gia nhận định các hiệp định tự do thương mại như CPTPP giúp đơn giản hóa quy trình xuất nhập khẩu và giảm chi phí thương mại. Đơn cử, CPTPP mang đến lợi ích tích lũy trong thị trường CPTPP có thể sử dụng nguồn sản phẩm, dịch vụ từ các thị trường CPTPP khác, để doanh nghiệp có thể đạt đủ tiêu chuẩn được hưởng chế độ ưu đãi trong khu vực. Với việc CPTPP bắt đầu có hiệu lực, đây là thời điểm phù hợp nhất để các doanh nghiệp tìm hiểu và tối đa hóa các lợi ích từ hiệp định. 

Mặt khác, CPTPP đi vào giai đoạn có hiệu lực còn là minh chứng mới nhất cho tự do hóa thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương. Đầu năm 2019, Nhật Bản và Singapore cũng đã ký Hiệp định thương mại song phương với Liên minh châu Âu, khối thương mại lớn nhất trên thế giới. Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với EU đang chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất. Trong khi đó, Australia, Indonesia và New Zealand đang trong vòng đàm phán với EU về các Hiệp định song phương tương ứng./. 

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus