CPTPP: Kỳ vọng lâu dài

14/01/2019    248

Ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới thật sự có hiệu lực đối với Việt Nam. Trước đó, hiệp định này đã bắt đầu có hiệu lực với sáu nước phê chuẩn đầu tiên vào ngày 30-12-2018, là New Zealand, Canada, Úc, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Tuy nhiên có thể thấy không khí chuẩn bị khai thác cơ hội mới mở ra từ hiệp định này chưa sôi động như kỳ vọng.

Điều này cũng dễ hiểu vì làn sóng khai thác đầu tiên thường đến từ các công ty đa quốc gia đã nghiên cứu, nghiền ngẫm nội dung các cam kết từ lâu. Ngay cả trong những ngành mà các nghiên cứu, phân tích đều nói Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất như ngành may mặc, da giày thì các nhãn thời trang đa quốc gia sẽ nhắm đến các thị trường Việt Nam chưa từng có hiệp định thương mại, cả song phương lẫn đa phương như Canada, Peru để tăng lượng hàng đặt may ở Việt Nam nhằm vào các thị trường mới này. Các công ty may mặc Việt Nam chưa đủ tiềm lực để đi khai phá thị trường một cách chủ động được.

Có chăng là các nhà nhập khẩu Việt Nam, phối hợp với các nhà xuất khẩu nhanh nhạy nắm bắt cơ hội mua hàng giảm, miễn thuế về bán hưởng lợi như đã từng xảy ra khi Việt Nam miễn thuế nhập ô tô từ Thái Lan hay Indonesia.

Bởi thế điều chúng ta đặt nhiều kỳ vọng là các đợt khai thác tiềm năng về lâu về dài và ở đây nội lực cũng như tầm nhìn chính sách đóng vai trò quan trọng. Một khi đã thừa nhận khối doanh nghiệp FDI tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại tốt hơn doanh nghiệp trong nước, điều cần rút ra là nên khuyến khích các dự án khai thác các khâu còn lại trong chuỗi sản xuất như công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu và phát triển. Chính những doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành may sẽ đem lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tương tự, các doanh nghiệp vệ tinh cho các tên tuổi lớn như Samsung, Nokia, Honda... sẽ giúp gia tăng hàm lượng “Made in Vietnam” trong các sản phẩm xuất đi toàn cầu.

Bước tiếp theo là khuyến khích liên doanh với các doanh nghiệp FDI này nhưng không phải là doanh nghiệp nhà nước đứng làm đối tác, chỉ biết dùng quyền sử dụng đất làm vốn góp. Cần khuyến khích các công ty tư nhân có thực lực đứng ra liên doanh bởi chính họ sẽ là nơi khát khao chuyển giao công nghệ, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý để chủ động tạo ra sản phẩm “Made in Vietnam” đa dạng trong tương lai.

Trước mắt, cần xem CPTPP như một đòn bẩy kích thích cạnh tranh, thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ thôi, mua sắm chính phủ, để thấy CPTPP sẽ tạo áp lực cải cách như thế nào. Chưa gì các nước đã nói nhiều đến thị trường mua sắm chính phủ của 11 nước thành viên lên đến 1.900 tỉ đô la Mỹ mà theo cam kết, phải được tiến hành một cách công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử. Chắc chắn quá trình mua sắm này phải được biên soạn thành thủ tục minh bạch, hợp đồng gọi thầu phải rõ ràng, tiêu chí chọn lựa phải công bằng, kể cả thủ tục khiếu nại... Như thế việc cải cách này không chỉ có lợi cho các đối tác từ các nước thành viên mà còn cho doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội tham gia vào thị trường một cách bình đẳng kể cả với doanh nghiệp nhà nước.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn