Ngày 09/01, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho biết Vương quốc Anh đang thăm dò khả năng gia nhập Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như tham gia hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản sau khi nước này rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 3 tới. 

Thông điệp này được đưa ra ngay trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Luân Đôn ngày 10/01 để gặp người đồng cấp Anh Theresa May. Nước Anh luôn tìm kiếm mối quan hệ thương mại với Nhật Bản dù thông qua hiệp định song phương hay thông qua CPTPP để có các rào cản thương mại thấp nhất có thể

Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và EU sẽ có hiệu lực vào tháng 2 năm 2019, cho phép nước Anh giao dịch thương mại trong khuôn khổ thỏa thuận này nếu vẫn còn là thành viên trong khối liên minh. Nhưng nước Anh sẽ nằm ngoài phạm vi của hiệp định nếu Brexit không có thỏa thuận trở thành hiện thực, do đó, việc tạo ra một hiệp định thương mại mới là cần thiết để duy trì mối quan hệ thương mại giữa Anh với Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản là một trong số các nhà đầu tư quan trọng nhất của Anh và nước Anh cũng có một trong những ngành sản xuất cạnh tranh nhất ở Châu Âu, nhưng phần lớn đó là nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của Nhật Bản từ các khoản đầu tư vào những năm 1980.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt giải thích rằng Luân Đôn mở cửa cho cả các thỏa thuận song phương và đa phương như CPTPP vừa có hiệu lực gần đây, để đảm bảo rằng các công ty Nhật Bản có thể ổn định vào thị trường Anh.

Nhưng thỏa thuận Brexit được đàm phán bởi chính phủ Anh đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở Anh. Có những lo ngại ngày càng tăng rằng nước Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, khiến nền kinh tế và cuộc sống của người dân rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nếu điều này thành hiện thực sẽ gây ra sự gián đoạn và không tốt cho kinh doanh. “Nhưng nếu Anh có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai và đảo ngược kết quả Brexit, điều đó sẽ rất tệ cho sự ổn định xã hội. Vì vậy, cách tốt nhất là thông qua thỏa thuận với các nhà đàm phán của Thủ tướng Theresa May”- ông Hunt nhận định.

Ngoại trưởng Anh cũng bày tỏ sự lạc quan rằng những người phản đối thỏa thuận Brexit sẽ bắt đầu nhận ra các lựa chọn thay thế là rất xấu, và đó là lý do tại sao cuối cùng có thể nước Anh sẽ thành công trong việc chấp nhận thỏa thuận Brexit này. Nước Anh cũng đang có kế hoạch tăng cường các nhân viên tại các đại sứ quán của Anh ở nước ngoài, như một tín hiệu cho thế giới thấy rằng sau Brexit, “nước Anh không rút lui khỏi thế giới” mà ngày càng gắn kết với thế giới.

Nguồn: Báo Công Thương