Chính sách FDI với dòng thác mới cần chọn lựa hơn, có tính chiến lược hơn, đặc biệt chỉ khuyến khích, ưu đãi những dự án nhằm thay thế nhập khẩu các sản phẩm cần công nghệ cao ở trung và thượng nguồn.

Kinh tế Việt Nam có độ phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã lên tới 208,6% GDP. Thêm vào đó, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2018 Mỹ chiếm 20% và Trung Quốc 17% tổng xuất khẩu của nước ta.

Vì cơ cấu đó, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm tốc độ phát triển, thu hẹp thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù Mỹ đánh thuế trên hàng nhập từ Trung Quốc sẽ có hiệu quả chuyển hoán làm tăng nhập khẩu của Mỹ từ các nước thứ ba, nhưng hiệu quả này không lớn đối với Việt Nam vì phần lớn hàng xuất của Trung Quốc sang Mỹ không phải là lợi thế so sánh của Việt Nam hiện nay.

Ngoại lệ là một số ngành có hàm lượng lao động cao, điển hình là hàng may mặc. Nhưng trong những mặt hàng này Việt Nam đã chiếm thị phần khá lớn tại thị trường Mỹ, ít có dư địa để tăng xuất khẩu hơn nữa vì có khả năng trở thành đối tượng để Tổng thống Donald Trump áp thuế cao hơn. Việt Nam hiện đứng thứ 5 về thặng dư thương mại với Mỹ (năm 2017 là 38 tỉ đô la Mỹ).

Mặt tích cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là làm chuyển dịch nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là nơi đến được chú ý nhiều nhất. Khuynh hướng này đã bắt đầu từ 4-5 năm trước khi tiền lương ở Trung Quốc tăng cao, bây giờ với tình hình mới sẽ mạnh mẽ hơn, nhất là trường hợp các dự án hướng vào xuất khẩu.

Việt Nam nên nhân cơ hội này chuẩn bị đón đầu dòng thác FDI với việc ưu tiên những dự án nhằm làm sâu quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn. Trong hơn ba thập niên đổi mới, công nghiệp hóa đã góp phần lớn trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trung bình 6,5% mỗi năm. Nhưng công nghiệp hóa của Việt Nam hiện nay còn kém cả lượng và chất. Việt Nam sắp chấm dứt thời kỳ dân số vàng mà tỷ trọng công nghiệp trong GDP mới xấp xỉ 20% trong khi kinh nghiệm của các nước đi trước ở Đông Á cho thấy trong cùng thời đại tỷ lệ đó là trên 30%.

Thêm vào đó, cơ cấu công nghiệp của Việt Nam cho đến nay chủ yếu là lắp ráp (các sản phẩm hạ nguồn) và nằm ở phân khúc thấp của các chuỗi giá trị sản phẩm. Do đó, càng sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp, Việt Nam càng nhập khẩu nhiều linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian khác (các sản phẩm trung và thượng nguồn). Chẳng hạn càng xuất khẩu hàng may mặc, Việt Nam càng nhập khẩu tơ sợi và vải; càng xuất siêu điện thoại di động càng nhập siêu hàng điện tử cao cấp. Máy in, máy tính và các loại máy móc khác cũng ở trong tình trạng tương tự.

Một phần quan trọng trong nhập khẩu các loại linh kiện và các sản phẩm trung gian ấy là do Trung Quốc cung cấp. Tôi rất ấn tượng khi nghe giám đốc công ty sản xuất máy in có vốn Nhật Bản tại Việt Nam cho biết mỗi năm tiền nhập khẩu khuôn mẫu in từ Trung Quốc lên tới 100 triệu đô la. Chỉ một linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc và chỉ dùng cho hai nhà máy mà kim ngạch nhập khẩu lớn như vậy. Điều đáng nói nữa là vị giám đốc ấy còn cho biết nếu Việt Nam có chính sách phù hợp thì có thể sản xuất khuôn mẫu ấy trong nước để thay thế nhập khẩu.

Như vậy dòng thác mới của FDI là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các sản phẩm trung nguồn và thượng nguồn, để làm sâu hơn tiến trình công nghiệp hóa. Nhưng hiện nay FDI đã chiếm vị trí lớn trong nền kinh tế Việt Nam và công nghệ từ FDI ít lan tỏa sang khu vực tư bản trong nước. Do đó chính sách FDI với dòng thác mới cần chọn lựa hơn, có tính chiến lược hơn, đặc biệt chỉ khuyến khích, ưu đãi những dự án nhằm thay thế nhập khẩu các sản phẩm cần công nghệ cao ở trung và thượng nguồn.

Ngoài ra việc thu hút FDI sắp tới cần khuyến khích liên doanh với doanh nghiệp trong nước. FDI 100% vốn nước ngoài nên giới hạn trong những trường hợp đặc biệt. Để chính sách đó hiệu quả, doanh nghiệp trong nước cũng phải được nâng đỡ, tạo điều kiện phát triển (tiếp cận nguồn vốn, nguồn đất đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm phí tổn hành chánh) mới có thể tham gia sản xuất thay thế nhập khẩu những sản phẩm trung và thượng nguồn, và đẩy mạnh liên kết hàng dọc với doanh nghiệp FDI.

Cho đến nay, hầu hết các dự án FDI là 100% vốn nước ngoài và ít liên kết với doanh nghiệp trong nước, làm phát sinh nền kinh tế có cơ cấu hai tầng, ít liên kết giữa hai khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Chính sách FDI sắp tới cần điểu chỉnh sự mất cân đối này.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm giảm xuất khẩu Việt Nam nhưng làn sóng mới của FDI do chiến tranh ấy tạo ra sẽ đẩy mạnh thay thế nhập khẩu những sản phẩm trung và thượng nguồn. Chênh lệch xuất nhập khẩu do đó sẽ không thay đổi nhiều dù xuất khẩu có giảm. Mặt khác, FDI và đầu tư của doanh nghiệp trong nước trong các ngành trung và thượng nguồn sẽ vừa làm sâu quá trình công nghiệp hóa vừa đẩy mạnh tích lũy tư bản, nâng tiềm năng của nền kinh tế lên cao hơn.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn