Ngày 7/1, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, với hy vọng hai bên sẽ đạt một thỏa thuận trước khi thời hạn "đình chiến" kéo dài 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 3.

Theo hãng tin Bloomberg, giới quan sát không kỳ vọng có sự đột phá trong vòng đàm phán này, vì đây chỉ là một cuộc gặp cấp thứ trưởng. 

Tuy nhiên, bất kỳ sự tương tác Mỹ-Trung nào về thương mại vào thời điểm này cũng có ý nghĩa lớn, bởi nếu không thể đi đến một thỏa thuận, hai bên sẽ lại tiếp tục áp thuế lên hàng hóa của nhau từ đầu tháng 3 - thời điểm hết 90 ngày "ngừng bắn" theo nhất trí hồi tháng 12 ở Argentina giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thị trường đặt kỳ vọng lớn hơn vào các cuộc đàm phán cấp cao hơn nhiều khả năng sẽ diễn ra ngay trong tháng 1. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nói rằng ông Trump có thể sẽ đàm phán thương mại với Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn bên lề sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ.

Dưới đây là 7 vấn đề chính của đàm phán thương mại Mỹ-Trung mà Bloomberg điểm lại.

1. Tài sản trí tuệ

Một trong những vấn đề gai góc nhất của đàm phán thương mại Mỹ-Trung là cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ các công nghệ nhạy cảm và đánh cắp tài sản trí tuệ. 

Vấn đề này được xem là chìa khoá cho việc hai bên có thể đạt thỏa thuận thương mại hay không.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập ở Buenos Aires hôm 1/12, phía Mỹ nói rằng cuộc đàm phán trong thời hạn 90 ngày sẽ tập trung vào "những thay đổi cơ cấu" trong cách Trung Quốc xử lý vấn đề chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, đánh cắp thông tin mạng…

Trung Quốc đã có nhiều chế tài nhằm hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay và hỗ trợ từ nhà nước đối với các công ty có hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ. Nước này cũng đang soạn một đạo luận ngăn ép buộc chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, điều mà Mỹ quan tâm là chi tiết cụ thể và việc thực thi các quy định và luật này ra sao.

2. Huawei và công nghệ 5G

Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei từ lâu vẫn phủ nhận cáo buộc của Mỹ và một số nước phương Tây khác cho rằng Huawei tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp được Bắc Kinh tài trợ.

Huawei hiện đang là công ty đi đầu trong việc phát triển công nghệ 5G và sở hữu khoảng 1/10 số bằng sáng chế quan trọng về công nghệ này trên toàn cầu. Tuy nhiên, những nỗ lực của Huawei đã khiến Mỹ lo ngại, dẫn tới việc Washington cấm sản phẩm Huawei trong mua sắm chính phủ và kêu gọi các quốc gia khác đưa ra lệnh cấm tương tự.

Một vụ việc gây chấn động đã xảy ra vào tháng 12 năm ngoái, khi nhà chức trách Canada tiến hành bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei theo đề nghị của Mỹ. Bắc Kinh đã yêu cầu Canada trả tự do cho bà Meng, và vị doanh nhân này hiện đang được tại ngoại với số tiền bảo lãnh lớn. 

Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Meng, với cáo buộc cho rằng bà lừa dối nhiều ngân hàng, khiến các định chế tài chính này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

3. Chiến lược "Made in China 2025" ("Sản xuất tại Trung Quốc 2025")

Kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc nhằm mục tiêu đưa nước này trở thành quốc gia sản xuất tiên tiến đi đầu thế giới trong 10 ngành đang nổi lên gồm robot (người máy), xe năng lượng sạch và công nghệ sinh học.

Tham vọng công nghiệp này của Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại. Washington cáo buộc rằng sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào các ngành công nghiệp là vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tạo ra sân chơi bất bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc nhằm vào nhiều ngành mà "Made in China 2025" ưu tiên.

Trung Quốc xem kế hoạch trên giữ vai trò thiết yếu dể đạt các mục tiêu kinh tế dài hạn. Tháng trước, nguồn thạo tin nói rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch, thậm chí là hoãn thực thi kế hoạch trong một thập kỷ, nếu điều đó có thể giúp chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ.

4. Năng lượng

Căng thẳng thương mại đã phá vỡ khả năng đạt một thỏa thuận hấp dẫn cho cả Mỹ và Trung Quốc: Mỹ đang trở thành một quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn, trong khi Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới.

Nếu Trung Quốc dỡ thuế quan trả đũa đối với khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, thì Mỹ có thể khôi phục xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề trong dài hạn đối với ngành dầu khí Mỹ là làm thế nào thuyết phục được các công ty Trung Quốc rót vốn nhiều tỷ USD vào các dự án xuất khẩu LNG Mỹ trong ương lai.

Ngoài ra, các công ty dầu lửa Mỹ cũng muốn có được sự đảm bảo từ Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ không áp thuế trả đũa lên dầu thô Mỹ.

5. Hàng hóa nông nghiệp

Giới đầu tư đang chờ xem liệu Trung Quốc có dỡ thuế quan trả đũa đối với hàng nông sản Mỹ, bao gồm đậu tương, ngô, bông, cao lương và thịt lợn. 

Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên các mặt hàng này đã khiến các bang nông nghiệp của Mỹ điêu đứng. Nếu Trung Quốc dỡ thuế, thì các công ty tư nhân của nước này có thể ngay lập tức nối lại việc nhập nông sản Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể dỡ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với bã rượu khô từ Mỹ, và có thể cho phép nhập khẩu thịt gia cầm từ Mỹ sau khi phát tín hiệu nhập gạo Mỹ.

Tuy nhiên, nếu đàm phán thất bại, các công ty quốc doanh Trung Quốc rất có thể sẽ hủy một số đơn hàng nhập đậu tương Mỹ đã ký mấy tuần qua.

6. Thuế quan ôtô

Năm ngoái, Trung Quốc áp thuế quan trả đũa 25% lên xe hơi nhập từ Mỹ, nhưng mới đây đã tạm dỡ thuế này từ ngày 1/1 để thể hiện thiện chí trước đàm phán. Thuế quan của Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho các hãng xe sản xuất xe tại Mỹ và xuất khẩu sang Trung Quốc như Tesla, BMW, và Daimler.

Thị trường ôtô Trung Quốc thì đang "tuột dốc không phanh" vì kinh tế giảm tốc. Tính đến tháng 11 năm ngoái, doanh số thị trường xe nước này đã giảm liền 6 tháng.

7. Quyền tiếp cận thị trường cho các ngân hàng

Trung Quốc đã cam kết sẽ gia tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty tài chính nước ngoài. 

Hồi tháng 11, ngân hàng Thụy Sỹ UBS trở thành định chế tài chính nước ngoài đầu tiên giành quyền kiểm soát một liên doanh chứng khoán tại Trung Quốc theo quy định được nới lỏng trong năm 2018. Một số nhà băng nước ngoài khác như JPMorgan Chase và Nomura hiện vẫn đang chờ được thông qua đề nghị nắm 51% cổ phần trong liên doanh tại Trung Quốc.

Ông Tập Cận Binh nói rằng việc mở cửa vẫn đang diễn ra với tốc độ đều đặn, và Bloomberg ước tính rằng trừ phi có thay đổi lớn hay kinh tế giảm tốc mạnh, các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài ở Trung Quốc có thể đạt lợi nhuận 32 tỷ USD mỗi năm trong thời gian từ nay đến 2030.

Nguồn: VnEconomy