Các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư trên toàn cầu hy vọng động thái hòa hoãn thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp mở ra triển vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng để khép lại cuộc chiến thương mại khiến thị trường toàn cầu chao đảo trong mấy tháng qua. Thế nhưng thực tế cho thấy con đường để đi đến một thỏa thuận vẫn còn xa vời khi mà lập trường giữa hai nước về các vấn đề thương mại vẫn quá khác biệt.

Bước vào giai đoạn đàm phán căng thẳng

Hãng tin CNN cho biết thỏa thuận ngưng áp thuế thêm vào hàng hóa của nhau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tiếp tục đàm phán giải quyết các bất đồng thương mại được Tổng thống Trump ca ngợi là “một thỏa thuận tuyệt vời”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận thỏa thuận như là một ván cờ nữa giữa hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc đàm phán thương mại đã kéo dài gần một năm nhưng chỉ làm nổi lên những bất đồng sâu sắc giữa hai bên.

“Thỏa thuận này là một động thái trì hoãn. Nó chắc chắc không phải là giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào nhưng tạo ra tình thế tốt hơn trước đây. Giờ đây, chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nói.

Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung đạt được bên lề hội nghị khối các nền kinh tế G20 tại Argentina hôm 1-12 đặt ra thêm một thời hạn nữa (90 ngày) để hai nước thương lượng một thỏa thuận giúp giải quyết các mối lo ngại của Mỹ như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tài sản trí tuệ, ăn cắp qua mạng...

Vẫn chưa rõ chính xác khi nào hai bên bắt đầu đàm phán nhưng giới phân tích dự báo họ sẽ khởi động hàng loạt cuộc đàm phán căng thẳng, gấp rút để soạn ra chi tiết của một thỏa thuận với các điểm chính sơ bộ được hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đồng ý trong bữa ăn tối kéo dài hai tiếng rưỡi ở Buenos Aires, Argentina.

Myron Brilliant, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc bộ phận quốc tế sự vụ của Phòng Thương mại Mỹ nhận định: “Giờ đây, phần công việc khó mới bắt đầu”.

Các tuyên bố của hai nước về kết quả cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung ở Argentina, dù thể hiện thái độ tích cực, lại cho thấy rõ khoảng cách giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề thương mại vẫn còn quá xa.

Sự khác biệt rõ ràng nhất là tuyên bố của Trung Quốc lược bỏ thời hạn đàm phán trong vòng 90 ngày mà hai nước đã đồng ý. Trung Quốc cũng không đề cập đến việc sẽ mở cửa thị trường nào cho hàng hóa Mỹ, chẳng hạn như các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp, ba lĩnh vực mà Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa khi thông báo về thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ông Craig Allen xem việc thiếu vắng tuyên bố chung của Mỹ-Trung sau cuộc gặp cấp cao ở Argentina là một dấu hiệu nữa cho thấy chưa có một sự thông hiểu chưa rõ ràng từ hai phía.

Tuyên bố của Trung Quốc cũng không đề cập gì đến việc ông Tập sẵn sàng phê duyệt thương vụ hãng chip Mỹ Qualcomm thâu tóm hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductors như thông báo của Nhà Trắng. Hồi tháng 7, Qualcomm đã từ bỏ thương vụ thâu tóm này vì không được Trung Quốc tán thành sau gần hai năm chờ đợi.

Khó đạt được thỏa thuận đột phá trước thời hạn chót

Hai tổ chức vận động hàng lang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở Washington – Phòng Thương mại Mỹ và nhóm Bàn tròn Doanh nghiệp, đại diện cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Walmart, Target, Procter & Gamble Company... hoan nghênh quyết định ngưng triển khai thêm các đòn thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc là hướng hành động đúng đắn của chính quyền ông Donald Trump.

Trong các cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh quí 3, hơn 100 doanh nghiệp có cổ phiếu nằm trong chỉ số S&P 500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Mỹ) cảnh báo rằng kế hoạch gia tăng áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ. Một số công ty như Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ, cảnh báo giá cả hàng hóa tiêu dùng hàng ngày như dầu gội, bột giặt và khăn ăn sẽ tăng lên.

Tuy vậy, giới phân tích vẫn nghi ngờ về những gì mà Mỹ-Trung có thể đạt được trong ba tháng tới. Họ cho rằng khó có khả năng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận đột phá trước thời hạn chót.

Hôm 2-12, trong thư gửi cho các khách hàng, ngân hàng ING (Hà Lan) cho rằng một thỏa thuận giúp giải quyết tất cả các khiếu nại của Mỹ về các thực hành thương mại của Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm đàm phán.

Tổng thống Trump thường xuyên công kích Bắc Kinh về việc ăn cắp tài sản trí tuệ, dựng các rào cản chính sách và thuế quan để hạn chế các công ty Mỹ xâm nhập vào thị trường Trung Quốc và tạo thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ.

ING cho rằng: “Thời hạn 90 ngày để đạt được một thỏa thuận rộng lớn là quá ngắn, đặc biệt khi thỏa thuận này bao gồm giải quyết các vấn đề nhạy cảm như ăn cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc trong các liên doanh với đối tác Trung Quốc”.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn kinh tế Capital Economics ở London, lưu ý rằng Mỹ-Trung từng suýt đạt được thỏa thuận thương mại do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dàn xếp hồi tháng 5, trong đó, Trung Quốc cam kết mua nhiều hơn hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Mỹ. Song rốt cục, Tổng thống Trump đã bác bỏ thỏa thuận này.

Ngay khi lên chuyên cơ Không Lực Một để trở về nước sau hội nghị G20 ở Argentina, Tổng thống Trump nhanh chóng ca ngợi năng lực đàm phán của ông.

“Đó là một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc được dàn xếp bởi giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc”, ông nói với các phóng viên.

Scott Kennedy, một học giả nghiên cứu Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định để có các cuộc đàm phán thành công, cần phải có sự đồng thuận rõ ràng về các mục tiêu của chính quyền Donald Trump và một tiến trình phối hợp liên ngành đáng tin cậy hơn. Dàn cố vấn thương mại của ông Trump được cho là đang chia rẽ sâu sắc giữa phe cứng rắn, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ bao gồm Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng Peter Navarro và phe ôn hòa ủng hộ tự do thương mại như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Năm nay, Bắc Kinh kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng thời khắc kỷ niệm này có thể cung cấp cho ông Tập cơ hội để đặt ra tầm nhìn rõ ràng về một làn sóng mới về tự do hóa theo định nghĩa của ông và dựa trên nhu cầu và chương trình nghị sự của Trung Quốc.

“Song hai nước sẽ không tận dụng sự kiện này theo cách như vậy và họ có thể quay trở lại thời kỳ căng thẳng giống như ba tháng vừa qua”, Kennedy nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn