Khoảng 40% cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả. Mở cửa hội nhập quốc tế tạo ra cơ hội nhưng cũng đầy sức ép cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.

Thông tin đưa ra tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế Quốc tế Việt Nam 2018 với chủ đề "Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả" do ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với World Bank và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức sáng ngày 4-12.

Không năng động, sáng tạo khó tận dụng FTA

Là doanh nghiệp lớn trong ngành sữa Việt Nam, sản phẩm xuất khẩu ra 43 nước trên thế giới, song theo đại diện của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các FTA thế hệ mới sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội tốt và nhiều thách thức không hề dễ chịu.

Theo đó, với 16 FTA mà Việt Nam tham gia, đại diện Vinamilk cho rằng "thách thức sẽ đến trước, sẽ thấy ngay". Cũng bởi, các doanh nghiệp nước ngoài rất năng động, có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt.

"Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực thì họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam. Đến khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà" - đại diện Vinamilk cho hay.

Đặc biệt với doanh nghiệp ngành sữa, đại diện Vinamilk cho rằng thách thức là rất nghiêm trọng khi Việt Nam không phải là nơi phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm lại cao, khó khăn khi cạnh tranh với Australia, New Zealand.

Vì vậy, xuất khẩu sữa sang các nước ôn đới không khác gì rước cái khó về nhà, nên doanh nghiệp cho rằng nếu không có sự năng động, sáng tạo thì khó tận dụng cơ hội cho FTA mang lại.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2018 được đánh giá là năm khá sôi động với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, đàm phán. Điển hình là việc Quốc hội chính thức thông qua phê chuẩn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do.

Thực tế này đã góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đạt khoảng 40%, cao hơn so với các năm là 35.

Có phương án chuẩn bị cho hội nhập

Theo Phó thủ tướng, hội nhập đã sâu rộng nhưng một số địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.

Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho rằng tác động từ chuyển hướng thương mại của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc làm gia tăng làn sóng bảo hộ, ảnh hưởng đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, ông Hải cho rằng cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới. Chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, định hướng hàng hoá xuất nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới và Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải phân tích, dự báo những xu thế diễn biến trong tình hình kinh tế thế giới khu vực, đặc biệt là xu thế bảo hộ thương mại; xem xét các khía cạnh liên quan đến công tác triển khai thực thi các FTA để đánh giá cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Từ đó có giải pháp và hành động cụ thể để triển khai hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong nước theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ