Ngày 2-11-2018, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để xem xét phê chuẩn, sau khi Úc là nước thứ sáu đã phê chuẩn hiệp định này (tiếp theo Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand). Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việc phê chuẩn CPTPP thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương”.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh về bối cảnh của việc phê chuẩn CPTPP: “Đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”.

Câu chuyện CPTPP

Nếu đặt câu chuyện CPTPP vào bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay đang leo thang như chiến tranh lạnh, sẽ thấy CPTPP có ý nghĩa chiến lược nhiều hơn, trong khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có ý nghĩa kinh tế nhiều hơn. Nếu trước Đại hội Đảng XII (1-2016) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ủng hộ TPP, thì nay Tổng bí thư mới được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước cũng là người đọc tờ trình về CPTPP trước Quốc hội để phê chuẩn. Tuy hai thời điểm khác nhau và chủ trương vẫn nhất quán, nhưng lần này có một sự thay đổi tế nhị về thể chế và chức danh. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh khôn khéo nhấn mạnh: “Các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Những nội dung cụ thể liên quan đến CPTPP là những vấn đề chuyên môn, có thể đưa về các tiểu ban để các đại biểu chuyên trách giải quyết. Nói cách khác, nếu lúc này chúng ta sa vào những vấn để cụ thể, thì có thể “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”.

CPTPP (hay TPP-11) vẫn giữ nguyên nội dung cốt lõi của TPP-12. Trong văn bản CPTPP đã được thông qua, có 20 điều khoản được tạm hoãn hoặc sửa đổi so với TPP-12, trong đó có bốn điểm đáng chú ý. Thứ nhất, việc bổ sung hai từ “toàn diện” (comprehensive) và “tiến bộ” (progressive) cho CPTPP đã thể hiện tính đồng thuận và vẫn khẳng định các tiêu chí cao và toàn diện của TPP trên các mặt.

Thứ hai, TPP-11 có quy mô kinh tế chiếm 13,5% GDP và 15,2% kim ngạch thương mại toàn cầu, khiêm tốn hơn nhiều so với TPP-12 (chiếm 38,2% GDP và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu).

Thứ ba, vì Mỹ chiếm tới 60% GDP của các nước TPP, nên khi Mỹ rút khỏi TPP thì 11 nước còn lại phải thay đổi điều khoản về hiệu lực, theo đó chỉ cần sáu nước phê chuẩn thì CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày được phê chuẩn. Thứ tư, trong 20 điều khoản được tạm hoãn, chủ yếu là các cam kết cứng rắn về sở hữu trí tuệ do Mỹ đề xuất. 

Việc Quốc hội phê chuẩn một điều ước quốc tế (như CPTPP hay EVFTA) là một thủ tục tuy cần thiết, nhưng không quan trọng bằng nhiệm vụ xem xét lại một loạt vấn đề có liên quan để điều chỉnh hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp với những cam kết quốc tế. Với kinh nghiệm ký kết và triển khai WTO, việc phê chuẩn tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng khả năng tổ chức triển khai có nghiêm túc và có hiệu quả hay không, trong đó quan trọng nhất vẫn là câu chuyện đổi mới thể chế.  

Phát biểu tại hội thảo “Vietnam Business Outlook 2019”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói: “Đối với các hiệp định thương mại, ký kết thì tốt nhưng hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn chuyện chớp được cơ hội hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta ký với ASEAN xong thì thâm hụt thương mại toàn diện với ASEAN, chúng ta cứ ký với ai/khu vực nào xong thì lại thâm hụt thương mại với nước và khu vực đấy! Nguyên do là bởi năng lực của chúng ta không được chuẩn bị một cách đầy đủ, giống kiểu bị trói chân tay rồi thả xuống bể bắt bơi thì sao mà bơi được... Ký kết các hiệp định không khó, thực hiện nó có hiệu quả mới khó!”.

Cuộc tình dang dở

Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ có hai kế hoạch chiến lược lớn về đối ngoại: (1) Chiến lược “Xoay trục” sang châu Á (Asia Pivot) sau đổi thành “Tái cân bằng” (Rebalance); (2) Hiệp định “Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP). Có thể nói, đó là hai trụ cột của một chiến lược của Mỹ và các đồng minh nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc muốn thâu tóm biển Đông bằng “đường lưỡi bò” và thay đổi thực địa để quân sự hóa các đảo họ chiếm giữ, nhằm từng bước thay đổi trật tự khu vực bằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (tiếng Hán gọi là “Nhất đới, Nhất lộ” - BRI).

TPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chiến lược. Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, nên có thể được lợi nhiều từ TPP. Dự kiến, TPP có thể giúp Việt Nam tăng 6,7% GDP và tăng 15% xuất khẩu. Nhưng đáng tiếc cơ hội đó đã bị tuột mất (tuy là “đếm cua trong lỗ”). Tổng thống Obama tuy có tầm nhìn đúng, nhưng triển khai nửa vời và quá chậm. Trong khi hải quân Mỹ tuần tra biển Đông theo cách “đi qua vô hại” (innocent passage) như “tiếng kèn ngập ngừng”, thì TPP bị Quốc hội Mỹ ách lại (do phe Cộng hòa nắm đa số).

Ông Donald Trump thắng cử là lúc số phận TPP được định đoạt, khi ông ký lệnh khai tử TPP từ ngày đầu nhậm chức (1-2017). Có người nói ông Trump đã biếu Trung Quốc một cơ hội vô giá, như giúp Trung Quốc vĩ đại lần nữa (make China great again). Có thể ví TPP như một câu chuyện tình dang dở, bị ông Trump phụ bạc bỏ rơi, cùng với 11 đối tác (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam).

Không biết ông Trump vì tính khí thất thường nên dại dột, hay là ông ấy cao tay vì đã có một kế sách khác còn hiệu quả hơn TPP, nhưng dù sao quyết định khai tử TPP thật đáng tiếc, vì đã xóa mất bao công sức đàm phán của 12 nước trong sáu năm dài. Quyết định của ông rút khỏi TPP đã khiến Việt Nam và nhiều nước khu vực tỉnh ngộ và mất lòng tin vào Mỹ như là siêu cường số 1 thế giới, trước sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc.  

Mặc dù bị phụ bạc, nhưng 11 nước còn lại (dẫn đầu bởi Nhật Bản) đã không bỏ cuộc mà vẫn kiên trì đàm phán để sửa văn bản hiệp định. Trải qua thăng trầm (như bất đồng của Canada bên lề APEC Đà Nẵng, 11-2017), đến tháng 1-2018, văn bản CPTPP đã hoàn chỉnh và được các nước nhất trí. Ngày 8-3-2018, CPTPP đã được 11 nước ký tại Santiago, Chile. Tuy Mỹ không tham gia nên Việt Nam sẽ không được lợi nhiều như vẫn tưởng, nhưng vẫn còn mấy nền kinh tế lớn (Nhật, Canada, Úc) để hưởng lợi nếu biết tận dụng cơ hội.  Sau phát biểu của Tổng thống Trump tại Davos (2-2018), lãnh đạo nhiều nước vẫn nuôi hy vọng ông sẽ “nghĩ lại” để “trở về tương lai”. 

Lời cuối

CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 31-12-2018, sau khi có quá nửa các nước thành viên phê chuẩn. Đến nay chỉ còn năm nước chưa phê chuẩn (Brunei, Chile, Malaysia, Peru, Việt Nam), nhưng chắc chắn Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn CPTPP trong tháng 11-2018. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp Việt Nam tăng 1,32% GDP và 4,04% xuất khẩu, một triển vọng khiêm tốn so với TPP-12, vì Mỹ chiếm tới 60% GDP của tất cả các nước TPP.

Trong bối cảnh hiện nay, CPTPP là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế theo cam kết, vì chuẩn mực chung của kinh tế thị trường và theo thời hạn nhất định. Đó là một điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển. Trong khi chờ ông Trump “nghĩ lại” để “Kiều tái hồi Kim Trọng”, Việt Nam không nên quá ảo tưởng vào Mỹ (như con chim trong bụi) mà phải tranh thủ hợp tác tối đa với các nước thành viên CPTPP (như con chim trong tay).

Việt Nam cần vận dụng CPTPP như một động lực và áp lực để thúc đẩy cải cách và để ký kết các hiệp định tự do thương mại khác (như EVFTA với EU). Sau khi TPP-12 trở thành TPP-11 thì EVFTA càng quan trọng hơn đối với Việt Nam. Hy vọng năm 2019 câu chuyện EVFTA sẽ thành hiện thực (như CPTPP). Tuy đó là hai đòn bẩy thương mại quan trọng nhất đối với Việt Nam, nhưng xét cho cùng, nếu không cải cách thể chế để phát huy nội lực, thì trông chờ vào các nước khác trong CPTPP, EVFTA (hay WTO) cũng chỉ là ảo tưởng. 

Nguồn: Thời báo Sài Gòn giải phóng