Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy các công ty nước ngoài rời Trung Quốc đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này cũng đang gây khó đến Việt Nam.

Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị Đầu tư 2018 với chủ đề “Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến cách mạng”, diễn ra vào ngày 2-11 tại TPHCM.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và các nước ASEAN sẽ chịu tác động tiêu cực mạnh. Bởi lẽ, các nước và lãnh thổ này xuất khẩu hàng hóa trung gian như chip và màn hình nhiều sang Trung Quốc để lắp ráp, gia công rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do đó, ông Thiên dự báo rằng tăng trưởng kinh tế chung của khu vực ASEAN có thể sẽ giảm xuống (còn 4,9%).

Đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế này, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đấu nhau, Việt Nam rơi vào thế “lưỡng nan”, sẽ chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ bởi lẽ Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại “nghịch hướng” lớn nhất: Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, trong khi nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế này, lâm vào thế "lưỡng nan": xu hướng tác động cả tích cực và tiêu cực - đều rất mạnh. Do đó, đây quả là bài toán khó từ trước đến nay của kinh tế Việt Nam. Cuộc chiến thương mại này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam trong tương lai là không thể biết trước được, nhưng về mặt tiêu cực là nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, theo ông Việt Nam có nguy cơ trở thành “sân sau", tiếp tay cho hàng Trung Quốc tránh thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, về mặt tích cực lớn là Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đầu tư từ Trung Quốc và từ ngoài Trung Quốc (theo công thức của các nhà đầu tư là Trung Quốc +1). Ông cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam chọn lựa "đại bàng" đầu tư, khả năng thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các diễn giả và một số nhà đầu tư cũng có chung nhận định rằng chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang làm cho các nhà đầu tư tại Trung Quốc đã và đang tính đến việc dịch chuyển sang các quốc gia khác để né thuế Mỹ đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Cụ thể theo người sáng lập và điều hành Công ty KPCB China & TDF Capital (Trung Quốc), bà Tina Ju, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang làm nhiều nhà sản xuất nước ngoài muốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để đến Việt Nam, Ấn Độ… Theo bà, trên thực tế hiện đã có nhiều tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc tìm các thị trường khác để sản xuất. Bà dự báo xu hướng này sẽ tăng hơn trong tương lai...

Một số ý kiến cho rằng trên thực tế tiến trình dịch chuyển này của các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đã diễn ra trong những năm qua do chi phí sản xuất ngày càng tăng và cuộc chiến này sẽ có thể coi là cú hích để tiến trình dịch chuyển của nhà đầu tư diễn ra nhanh hơn.

Hội nghị còn xoay quanh những chuyển đổi trong nền kinh tế truyền thống Việt Nam sang kinh tế số, đồng thời thảo luận về hướng đi của các doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế mới: chọn tăng trưởng bền vững hay bứt phá ngoạn mục để đưa doanh nghiệp đến tầm vóc vượt trội về quy mô và hiệu quả kinh doanh.

Điểm nhấn của hội nghị lần này còn đề cập các điển hình vượt trội về khoa học ứng dụng đến từ những nhà khoa học nổi tiếng người Việt, qua đó tạo nên nguồn cảm hứng cao độ cho các lãnh đạo doanh nghiệp trên con đường hòa nhập kinh tế thế giới.

Những chia sẻ của các chuyên gia uy tín trong Hội nghị sẽ góp phần giúp các doanh nhân, các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp hiểu rõ bản chất và năng lực của nền kinh tế trong thời kỳ công nghệ hóa toàn cầu. Từ đó, doanh nghiệp có định hướng tốt hơn trong quyết định chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình và góp phần xây dựng kinh tế quốc gia vững mạnh.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn