Theo các Nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu cho rằng, chống đánh bắt IUU phải là một cuộc cách mạng về tư duy trong chính ngư dân, đặc biệt, cần phải có những quy định luật pháp nghiêm ngặt.

Theo đúng kế hoạch, đoàn Ủy ban Nghề cá, Nghị viện Châu Âu vừa trở lại làm việc với các cơ quan trung ương Việt Nam về việc kiểm tra công tác triển khai chống đánh bắt đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Dự kiến, đến tháng 1/2019, EC sẽ xem xét, đưa ra quyết định việc có gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam hay không.

Đầy đủ công cụ pháp lý trong quản lý nghề cá

Tại kiểm tra lần này, những nội dung được các Nghị sĩ của Đoàn Uỷ ban Nghề cá đặc biệt quan tâm liên quan tới tình hình quản lí khai thác nghề cá của Việt Nam gồm, công tác triển khai thực hiện sổ nhật ký khai thác tàu tá; công tác đăng ký tàu cá; cấp phép tàu cá; công tác kiểm tra giám sát hoạt động đánh bắt và hành trình tàu cá; thu thập dữ liệu thông tin giám sát hành trình đánh bắt tàu cá; công tác giám sát cảng cá.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các Bộ ngành trong nước cũng như hợp tác với các tổ chức nghề cá quốc tế và khu vực trong việc chống đánh bắt IUU...

Khẳng định quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tái nhấn mạnh: “Việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm”.

Đặc biệt, với 28 quốc gia của EU là những quốc gia biển. Thế kỷ 21 cũng là thế kỷ của đại dương. “Vì vậy, các chế tài về chống đánh bắt IUU mà các quốc gia biển của EU đã đưa ra là rất tốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của thế giới đại dương. Những khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU cũng là điều rất trúng, rất khách quan và có trách nhiệm đối với hoạt động nghề cá tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, ngay sau khi EC có quyết định rút “thẻ vàng” đối với Việt Nam về chống đánh bắt IUU (ngày 23/10/2016), Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương liên quan và cả hệ thống chính trị đã chủ động vào cuộc quyết liệt, với nhận thức rõ và coi đây là vấn đề cần phải kiên quyết thực hiện.

“Bởi đó cũng là những vấn đề rất phù hợp với Việt Nam để có nghề cá bền vững, là điều có lợi cho chính người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ mai sau...”,Bộ trưởng nói.

Nỗ lực thực hiện những yêu cầu của EU về chống đánh bắt IUU, Chính phủ, các Bộ ngành địa phương và ngư dân Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp tổng thể bao gồm cả sửa đổi ban hành Luật và các Nghị định, thông tư thi hành.

“Luật Thủy sản đều đã được các cơ quan chuyên môn cùng các chuyên gia, trong đó có chuyên gia của EU phối hợp tham mưu về kỹ thuật. Vì vậy có thể tin tưởng, các chế tài pháp luật để thực thi Luật Thủy sản là có tính khả thi cao trong thực hiện, sát với thực tiễn và tận dụng được kinh nghiệm của EU về vấn đề chống đánh bắt IUU...”, Bộ trưởng cho biết.

Cụ thể, Việt Nam hiện đã có đầy đủ các công cụ pháp lý, các quy định pháp luật và đã thực thi nghiêm ngặt các quy định liên quan tới công tác quản lí, cấp phép, đăng ký tàu cá, quản lí cảng cá, đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển như: Triển khai đào tạo thuyền trưởng - máy trưởng (từ năm 1996); cấp phép khai thác cho tàu cá trên 6m; với tàu cá trên 12m bắt buộc phải áp dụng ghi nhật ký khai thác...

“Đến đầu năm 2019, Việt Nam sẽ hoàn tất việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho gần 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 24m”, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có nghị quyết về việc gia nhập Hiệp định các quốc gia có cảng của FAO (hiện đã được lồng ghép vào Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật). Việt Nam đang hoàn tất tục gia nhập Hiệp định về Đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc. Hiện Việt Nam cũng đang là thành viên của Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác bất hợp pháp IUU...

Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippin, Thái Lan... cũng đã và đang có các hiệp định về hợp tác quản lí nghề cá, duy trì các đường dây nóng xử lí các sự cố về nghề cá trên biển nhằm thực thi hợp tác chống đánh bắt IUU với các nước trong khu vực...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, đây là những vấn đề cần có thời gian, có cái làm được ngay, có cái làm lâu dài, có cái cần chấn chỉnh, cái cần đầu tư trước mắt, có chỗ phải đầu tư dài hạn, từng bước...

Cần cách mạng tư duy trong ngư dân

Việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với thuỷ sản Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang EU. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), việc ách tắc trong quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. 

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp sang thị trường EU giảm từ 20 – 30% so với cùng kỳ. Chưa hết, gần như 100% lô hàng xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí và hệ luỵ... 

Đến nay, theo thống kê của VASEP, cả nước có 62 doanh nghiệp chính thức ký cam kết chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp và thực hiện các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp để xuất khẩu các mặt hàng hải sản vào thị trường châu Âu. 

Do đó, nhiều nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu cho rằng, việc thực thi chống đánh bắt IUU thực sự phải là một cuộc cách mạng về tư duy trong chính ngư dân Việt Nam, bởi chỉ có thay đổi thực chất về nhận thức, mới có thể thay đổi được hành động.

“Nghề cá là nghề lâu đời nhất trên thế giới, vì vậy để ngư dân chấp hành một cách tự giác trước các quy định của luật pháp và các vấn đề khoa học là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, cần phải có những quy định luật pháp nghiêm ngặt. Ở Đức, một ngư dân phải trải qua khóa đào tạo 3 năm về khai thác hải sản mới được phép hành nghề”, Nghị sỹ Jens Gieseke, Nghị viện Châu Âu nêu thực tế.

Cùng với đó, các Nghị sỹ của đoàn Uỷ ban Nghề cá cho biết, hiện nay, trong chính sách nông nghiệp chung, chính sách thủy sản chung và chính sách thực phẩm chung mà EU đang hướng tới, đó là không quan tâm nhiều tới tăng trưởng về số lượng mà quan trọng hơn là về sản xuất thông minh và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bởi theo FAO, tỉ lệ thất thoát lương thực hiện nay lên tới 30%, đủ nuôi sống cho trên 8 triệu người thiếu đói trên thế giới...

Đối với nguồn lợi thủy sản biển, các đảng chính trị tại EU luôn đấu tranh quyết liệt trước các hành động xem đại dương là bãi rác, nhất là tác thải nhựa. Quan điểm trong khai thác tài nguyên hải sản biển, đó không chỉ là số lượng hải sản còn lại bao nhiêu ở biển, mà còn là chất lượng nguồn lợi hải sản ấy ra sao...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu do ông Mato Gabriel - nghị sĩ, người phát ngôn Ủy ban nghề cá - dẫn đầu. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam coi việc cảnh báo "thẻ vàng" của EC là cơ hội để chuyển đổi sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm.

Đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề gồm: sửa đổi khung pháp lý, tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật, sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Thủ tướng đề nghị đoàn công tác ủng hộ để EC xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp