Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale - CFS) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá ghi trong CFS để chứng nhận rằng sản phẩm, hàng hoá đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. CFS chỉ được cấp dựa trên yêu cầu của thương nhân xuất khẩu và khôn 

CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước để xuất khẩu. Sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước không nhất thiết phải được bán thực tế tại nước sản xuất mà chỉ cần được phép bán, lưu hành tại thị trường này là có thể được cấp CFS. 

CFS thường do các cơ quan quản lý nhà nước là các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cấp. CFS có thể được gọi bằng một số tên khác như CPP, FSC hoặc một số loại tên gọi khác. Tuy nhiên, về cơ bản, các loại chứng nhận này đều nhằm mục đích xác nhận sản phẩm, hàng hoá (ghi trong CFS) được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. 

Các nước đặt ra quy định một số sản phẩm, hàng hoá nhất định (thường là dược phẩm, các sản phẩm y tế, thiết bị y tế, thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, một số mặt hàng thủy sản) nhập khẩu vào các nước này phải có CFS là nhằm mục đích có được bảo đảm chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu rằng sản phẩm đó đã được sản xuất và được phép lưu hành tự do ở nước đó.

CFS đối với hàng hoá xuất khẩu

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương và các Bộ quản lý chuyên ngành cấp CFS cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất khẩu. Lý do đề nghị cấp là một số nước nhập khẩu như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia, Iran, Ai Cập, Cu Ba và Ấn Độ, quy định những hàng hoá nêu trên muốn được lưu hành tại thị trường những nước này cần phải có CFS do nước xuất khẩu (Việt Nam) cấp. Khi gặp yêu cầu nói trên, nếu không được cấp CFS, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ lỡ các cơ hội kinh doanh mặc dù hàng hoá có đầy đủ các điều kiện cạnh tranh khác như chất lượng, giá cả, điều kiện giao hàng và những yếu tố ưu đãi khác. 

CFS đối với doanh nghiệp xuất khẩu

CFS tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thâm nhập vào các thị trường nhập khẩu có yêu cầu CFS, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa có yêu cầu CFS vào những thị trường này. 

Trước đây, một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu một số loại sản phẩm, hàng hóa sang một số thị trường nhất định do những nước, vùng lãnh thổ này yêu cầu phải có CFS đối với hàng hóa, sản phẩm đó. 

Những doanh nghiệp này hiện không thể xin được CFS trong nước do không có cơ sở pháp lý cho việc cấp này. Do vậy, các doanh nghiệp này bị lỡ cơ hội kinh doanh với các thị trường nhập khẩu nói trên, khiến cho Việt Nam bị giảm kim ngạch xuất khẩu, làm trầm trọng thêm nhập siêu.

Với việc Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, các Bộ ngành có cơ sở pháp lý cấp CFS cho hàng hoá, sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu phải có CFS. Qua đó, doanh nghiệp (nếu đáp ứng đủ điều kiện) sẽ xin được CFS để xuất khẩu, giúp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Hạn chế nhập siêu

Xét trong một góc độ hẹp của chính sách thương mại, CFS có một số tác dụng nhất định trong việc kiểm soát tình hình nhập siêu. Đối với hoạt động xuất khẩu, với việc có được CFS do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, một số loại hàng hóa sẽ có cơ hội thâm nhập vào các thị trường yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải có CFS trước khi được đưa vào lưu thông tại nước đó. 

Bên cạnh đó, việc Quyết định này phân định cụ thể trách nhiệm giữa các Bộ ngành (các đơn vị cấp CFS) sẽ tạo thuận lợi cho thương nhân trong việc xác định rõ cơ quan nào sẽ phụ trách việc cấp CFS cho mặt hàng mình cần xuất khẩu (chẳng hạn mặt hàng trang thiết bị y tế sẽ được quy định cụ thể do Bộ Y tế cấp). 

Trong một ví dụ điển hình là trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định này, thương nhân khi đề nghị được cấp CFS cho các mặt hàng nông sản (chẳng hạn gạo) tại Bộ NN&PTNT nhưng bị từ chối do Bộ này cho rằng không có cơ sở pháp lý để cấp. 

Do đó, thương nhân không biết phải xin cấp CFS tại cơ quan nào nên bị mất hợp đồng xuất khẩu với đối tác, dẫn tới việc giảm kim ngạch xuất khẩu nói riêng của doanh nghiệp và giảm kim ngạch nói chung của cả nước. Với việc ra đời khung pháp lý này, thương nhân xuất khẩu sẽ không gặp phải những trường hợp như trên do có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm bộ, ngành. Qua đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ được cải thiện theo hướng tích cực, góp phần làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung. 

Dưới góc độ nhập khẩu, quy định phải có CFS để được cấp các loại giấy chứng nhận khác theo yêu cầu của các Bộ, ngành liên quan trước khi lưu thông sản phẩm, hàng hoá (các hàng hóa, sản phẩm này là những hàng hóa, sản phẩm đặc thù mà các Bộ ngành yêu cầu phải có CFS trong bộ hồ sơ để được cấp phép lưu thông trên thị trường Việt Nam) trên thị trường Việt Nam sẽ tạo ra một mức độ nhất định cho việc đảm bảo an toàn về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn phần nào những hàng hóa không đảm bảo chất lượng (những hàng hóa không được lưu hành tự do tại nước xuất khẩu nhưng lại được xuất khẩu vào Việt Nam), qua đó, tạo ra những biện pháp thương mại thích hợp để góp phần cải thiện tình trạng nhập siêu hiện nay. 

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử