Sự nổi lên gây ngạc nhiên của Việt Nam từ quá khứ chiến tranh đã thu hút rất nhiều quan tâm của các chuyên gia kinh tế trên thế giới. Vừa qua, Jean-Pierre Lehmann, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại trường kinh doanh IMD ở Lausanne (Thụy Sỹ) đã có bình luận và phân tích trên báo Hong Kong về điều này. 

Theo giáo sư, Trung Quốc và Ấn Độ thường được quảng cáo rầm rộ, tiêu biểu cho thành tích của toàn cầu hóa. Nhưng Việt Nam, nước mà một số người gọi là "Rồng nhỏ", cũng đang nhanh chóng nổi lên như một người chiến thắng của toàn cầu hóa. Thành công được ghi nhận khi Việt Nam được chọn làm chủ nhà của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm nay.

Đã hóa “rồng"?

Những thành công của Việt Nam được đánh dấu ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và hội nhập quốc tế. 

Trước hết, về kinh tế, Việt Nam là một sức mạnh đang nổi lên nhanh chóng. Kể từ đầu thế kỷ 21, Việt Nam giữ vị trí thứ 3 về tốc độ tăng trưởng bình quân GDP hàng năm (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ) và là nước thành công nhất trong xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đã trở thành một nhà xuất khẩu lớn, xếp hạng thứ 40. Điều đáng nói là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nhất (gần 20%) lại chính là Mỹ, nước từng gây ra chiến tranh ở Việt Nam trong gần hai thập kỷ. Mỹ cũng đang hiện diện mạnh mẽ trong đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh những đối tác khác, trong đó có Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. 

Việc hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tiếp sau đó là nhiều thành công ở các diễn đàn song phương cũng như đa phương, khẳng định vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam.

Theo giáo sư Jean-Pierre Lehmann, đóng góp lớn cho thành công của Việt Nam là sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển đất nước. Nhiều thuyền nhân trước đây hay con cháu họ quay trở về, đem theo nguồn vốn, tri thức. 

Bản thân Việt Nam cũng có kết cấu nhân khẩu năng động: dân số sẽ vượt 100 triệu người vào những năm tới, vì vậy lợi ích từ một tỷ lệ dân số trẻ là rất đáng kể. Tốc độ thay đổi thật kinh ngạc. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một xã hội năng động, cởi mở. Để theo đuổi các chính sách cải cách, tự do hóa và hội nhập hơn nữa vào kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.

Theo những quan sát và phân tích của giáo sư Jean-Pierre Lehmann, không phải lúc nào Việt Nam cũng thành công như vậy. Những năm đầu sau khi đất nước thống nhất tình trạng trì trệ kinh tế dẫn đến suy sụp và những làn sóng tị nạn. Tới năm 1986, Việt Nam bắt tay vào "Đổi Mới". Điều đó làm tăng hy vọng và các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt kéo đến. Nhưng những kết quả ban đầu gây thất vọng khi việc thực thi các cải cách diễn ra chậm chạp. Trong thập niên 1990 các nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, khi nói rằng cách duy nhất để trở thành triệu phú tại Việt Nam là khởi đầu bằng vị thế tỷ phú.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu thế kỷ này, đầu tư nước ngoài đã trở lại. Việt Nam đã vượt qua cơn bão suy thoái kinh tế 2008-2009. Dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế đều rất lạc quan về tốc độ phát triển của Việt Nam.

Làm sao để bước tiếp

Dường như, có thể quả quyết khá chắc chắn rằng kinh tế thế giới sẽ được thống trị bởi châu Á trong những thập kỷ tới. Bất chấp cuộc khủng hoảng 1997-98, nhiều nước Đông Á đang ngày càng đặt dấu ấn châu Á lên quá trình toàn cầu hóa ở thế kỷ 21. Chiến công toàn cầu hóa của Việt Nam là một kế hoạch quốc gia nằm trong bức tranh toàn cảnh của Châu lục này.

Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn những vấn đề về cơ sở hạ tầng, quản lý, tham nhũng, bất bình đẳng gia tăng...dù không tệ như một số nước Đông Á khác, có thể hủy hoại các viễn cảnh tương lai. Nhưng nguy cơ lớn nhất cho Việt Nam, khu vực và thế giới là chủ nghĩa phi toàn cầu hóa cùng sự bùng nổ của chủ nghĩa bảo hộ và bài ngoại như trong thập niên 1930. Đó sẽ là một bi kịch. 

Một ưu tiên chủ chốt, mang tính chính sách toàn cầu là phải củng cố WTO và kết thúc Vòng đàm phán thương mại Doha. Đó là những cách tốt nhất để ngăn chặn chủ nghĩa phi toàn cầu hóa và nhờ đó Việt Nam, cùng các nước khác, tiếp tục được con đường hướng đến thịnh vượng. 

Nguồn: tgvn.com.vn