Vào những thập kỷ 1960-1970, do có giá nhân công thấp, Nhật Bản đã đi lên từ sau chiến tranh với việc sản xuất hàng dệt may và các sản phẩm sử dụng nhiều lao động khác (gọi chung là dệt may). Sau đó, vào những năm 1970 - 1980 khi giá nhân công của Nhật tăng cao, các đơn hàng dệt may đã được chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan.

Từ đó, Nhật bắt đầu sản xuất các mặt hàng sử dụng ít nhân công hơn như điện tử và các hàng tiêu dùng cao cấp khác. Sau đó, họ tiếp tục đi lên bằng việc hình thành các ngành công nghiệp sản xuất sắt thép, xe máy, ô tô và hiện nay là những sản phẩm công nghệ cao.

Đến những năm 1980-1990 giá nhân công của Hàn Quốc và Đài Loan tăng cao, các đơn hàng dệt may một lần nữa được chuyển sang Trung Quốc và Việt Nam. Hiện cả Hàn Quốc và Đài Loan đang từng bước đi vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như chip điện tử, công nghệ thông tin...

Theo một số chuyên gia, đất nước nào có mức GDP bình quân đầu người vượt 3.500 đô la Mỹ, sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất các ngành cần nhiều lao động như dệt may, da giày... và sẽ phải chuyển giao lại cho quốc gia khác có mức thu nhập thấp hơn. 

Hiện Trung Quốc đang có mức GDP bình quân đầu người trên 3.000 đô la Mỹ và có thể đạt mức 4.000 đô la vào cuối năm 2010. Về mặt lý thuyết, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục duy trì các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ... trong thời gian tới.

Trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng đang phát triển rất mạnh các sản phẩm điện tử, ô tô và từng bước thâm nhập lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, dưới áp lực của Mỹ, EU... Trung Quốc đã phải điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ và có thể sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, dẫn đến việc các đơn hàng dệt may, da giày, gỗ... sẽ được chuyển đến các nước có giá nhân công thấp hơn. 

Việt Nam với lợi thế về địa lý sẵn có, sẽ là quốc gia đầu tiên mà nhiều khách hàng nhắm đến. Tuy nhiên, kịch bản có thể sẽ không diễn ra như với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan trước đây. 

Cơ hội lớn cho Việt Nam?

Trước hết, có thể khẳng định đây là một cơ hội rất lớn để Việt Nam tiếp nhận các đơn hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, thực phẩm... Với ngành da giày, hàng năm Trung Quốc xuất khẩu trên 8 tỉ đôi giày dép các loại, chỉ cần tiếp nhận 10% thôi thì ngành da giày Việt Nam sẽ phải tăng hơn gấp đôi năng lực sản xuất. Với ngành dệt may, tuy gặp khó khăn nhưng năm 2009 Trung Quốc đã xuất khẩu trên 150 tỉ đô la, còn Việt Nam chỉ xuất khẩu được 9,2 tỉ đô la. Để tiếp nhận 10% đơn hàng từ Trung Quốc, ngành dệt may Việt Nam phải tăng công suất hiện tại lên 2,5 lần. Tương tự, xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc trong năm 2009 đạt gần 24 tỉ đô la, so với Việt Nam chỉ là 2,55 tỉ đô la.

Rõ ràng, các ngành công nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ... của Việt Nam khó có đủ nội lực để đón bắt các đơn hàng do Trung Quốc nhả ra trong tương lai, dù chỉ là 10%.

Giải pháp đánh chặn của Trung Quốc

Việt Nam chưa đủ sức nhưng nhiều quốc gia khác như Indonesia, Bangladesh, Myanmar, Pakistan và các nước Nam Á... sẽ cùng nhau đón bắt cơ hội chuyển giao này. Tuy nhiên, người Trung Quốc cũng đã có những giải pháp đánh chặn khá quyết liệt và hiệu quả nhằm giúp ngăn chặn tình trạng “chảy máu” đơn hàng. Lý do là Trung Quốc rất cần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng dân số khổng lồ mà những ngành như điện tử, ô tô khó có thể cáng đáng được. Các giải pháp đánh chặn của Trung Quốc là gì?

Chuyển vùng sản xuất: Các đơn hàng vẫn được tiếp nhận từ phía Đông Trung Quốc và tổ chức sản xuất ở phía Tây, nơi mà giá nhân công vẫn còn chênh lệch lớn. Điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến chính sách của khách hàng.

Tóm gọn phần đầu nguồn (upstream): Dưới áp lực về cạnh tranh, có thể Trung Quốc sẽ phải chuyển giao một phần đơn hàng, nhưng chỉ là phần gia công lắp ráp; khách hàng vẫn sẽ tiếp tục chỉ định nhà sản xuất tại các nước khác phải sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đặt gia công lại hay sẽ tự mở nhà máy tại các nước khác để tổ chức gia công. 

Không chỉ nguyên liệu, Trung Quốc cũng ra sức sản xuất các loại thiết bị với giá rẻ mà chất lượng có thể chấp nhận được. Việc tóm gọn phần đầu nguồn của Trung Quốc còn thể hiện qua việc nước này đã ra sức thâu tóm các nguồn nguyên liệu thiên nhiên, đất trồng trọt, các nhà máy sản xuất nguyên liệu tại một số nước trong giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng.

Tăng năng suất: Hiện nay, Trung Quốc đã thông qua nhiều giải pháp để tăng năng suất quốc gia và năng suất ngành để kéo giảm tốc độ tăng của giá thành. Trong đó, cơ sở hạ tầng như giao thông, cầu cảng, thông tin liên lạc... cực tốt là một minh chứng. Giải pháp tự động hóa sản xuất với những thiết bị sản xuất trong nước, các giải pháp quản lý, tính kỷ luật cao của lao động Trung Quốc... đều là những giải pháp đánh chặn cực kỳ hiệu quả.

Kịch bản cũ có lặp lại?

Dù phải đối mặt với khá nhiều khó khăn để chuyển nền kinh tế sang những bước phát triển cao hơn, nhưng với những gì Trung Quốc đang thực hiện, có thể thấy kịch bản phát triển trước đây sẽ có những thay đổi. Các nước chậm chân so với Trung Quốc sẽ không còn cơ hội chuyển sang các bước tiếp theo. Điều này có nghĩa là nhiều nước sẽ kéo dài và thậm chí dừng lại ở giai đoạn sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều nhân công, thậm chí chỉ là gia công đơn thuần. Nói hoa mỹ, mùa đông sẽ không bao giờ qua và họ sẽ không có cơ hội đón mùa xuân đến!Vấn đề đặt ra cho các nước này là:

- Họ sẽ khó thoát kiếp gia công khi khách hàng luôn yêu cầu nhà sản xuất phải sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ. Càng bán được nhiều nguyên liệu cộng với sự hỗ trợ của công nghệ cao, Trung Quốc lại tiếp tục có cơ hội đầu tư, phát triển các nguyên vật liệu mới, có giá trị gia tăng cao. Đó là chưa kể Trung Quốc có nguồn nguyên liệu khá lớn, sẵn sàng đè bẹp bất kỳ nước nào có ý định cạnh tranh!

- Trung Quốc với nền kinh tế đa dạng và nhiều tầng từ thấp đến cao, chứa đựng trong đó đủ các bước phát triển, sẽ trở thành nơi cung ứng đủ các mặt hàng cho thế giới, do đó sẽ ngăn chặn trình tự của kịch bản phát triển cũ. Từ đó, các nước đi chậm hơn sẽ khó có thể sản xuất được hàng điện tử, ô tô và cả sản phẩm công nghệ cao có giá thành cạnh tranh với Trung Quốc. 

- Riêng với Việt Nam và các nước ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 sẽ tạo nên cơ hội cho Trung Quốc nhiều hơn là cơ hội cho chính các nước ASEAN.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Mọi việc đều có giải pháp, nhưng sẽ không có giải pháp nào đem lại sự chuyển biến tốt cho nền kinh tế nếu không được triển khai đến nơi đến chốn. Công bằng mà nói, hầu hết các ngành kinh tế trong nước đều đã đề ra nhiều giải pháp riêng từ lâu, nhưng vấn đề là ai sẽ triển khai và triển khai như thế nào. Thí dụ giải pháp tăng tốc ngành dệt may qua Quyết định số 55 của Thủ tướng năm 2000 hoặc phát triển lao động qua Thông tư 39 năm 2008 của Bộ Công Thương nhằm phát triển nguồn nguyên liệu, nâng cao năng lực ngành, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo... cho ngành dệt may đều chưa mang lại kết quả tương xứng.

Đã đến lúc các nhà quản trị cấp cao nhìn lại lĩnh vực do mình quản lý và triển khai các giải pháp có hiệu quả nhằm hóa giải những cú đánh chặn của Trung Quốc. Nếu không triệt để trong việc thực thi các giải pháp, dù Việt Nam vẫn còn cơ hội để nhận thêm đơn hàng nhưng sẽ tiếp tục rơi vào thế làm gia công và không có cơ hội thoát lên để chuyển mình thành một đất nước công nghiệp phát triển.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online