Việt Nam áp dụng Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế từ năm 2017

28/11/2016    5617

Từ ngày 1-1-2017 tới, Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp Quốc (CISG) sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, mở ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giao thương hàng hóa quốc tế.

CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào. Cho đến thời điểm hiện tại, CISG là một trong các điều ước quốc tế thành công nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế, được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhất, với trên 80 quốc gia thành viên trên thế giới. 

Hiện nay, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này. Việt Nam đã gia nhập CISG vào cuối tháng 12-2015 và CISG chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1-1-2017.

Phát biểu tại hội thảo “Hài hòa hóa pháp luật thương mại và triển vọng trong khu vực ASEAN” do Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp với Ủy ban Liên Hợp Quốc luật thương mại quốc tế khu vực châu Á Thái Bình Dương (UNCITRAL-RCAP) cùng Trung tâm Quốc tế trọng tài Việt Nam (VIAC) và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC) tổ chức sáng nay (24-11), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng ban Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Việc CISG có hiệu lực sẽ đem đến khá nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Bà Trang phân tích: Việt Nam vốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra khá nhộn nhịp và các hợp đồng về mua bán hàng hóa quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hợp đồng nói chung.

Tính đến hết năm 2015, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hầu hết đều là thành viên của CISG. Khi CISG có hiệu lực, lợi ích điển hình đối với doanh nghiệp là sẽ tiết kiệm được các chi phí trong đàm phán hợp đồng. Hiện nay, trong quá trình đàm phán, có tới 52% hợp đồng có đàm phán về việc sẽ áp dụng luật nào thì riêng việc chọn luật các doanh nghiệp mất khoảng 2 tiếng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mất khá nhiều thời gian để đàm phán chi tiết về thực hiện hợp đồng cũng như từng điều khoản trong hợp đồng…

“Việc áp dụng CISG sẽ giúp doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp thậm chí không cần đàm phán gì bởi trong CISG vẫn có các điều khoản để doanh nghiệp sử dụng chung, thống nhất. Đây là cơ sở tham khảo miễn phí cho doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa”, bà Trang nói.

Cũng theo bà Trang, CISG còn giống như “bệ đỡ” cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không có đàm phán gì về luật sẽ áp dụng trong hợp đồng.  Trên thực tế, VCCI thỉnh thoảng lại tiếp nhận đơn thư kêu cứu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đàm phán hợp đồng chỉ gồm 2-3 trang rất đơn giản gồm có điều khoản về giá cả và đối tượng mua bán, khá mơ hồ, không hề có điều khoản gì về luật sẽ áp dụng.

Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp không biết phải làm như thế nào. Việt Nam là thành viên của CISG thì CISG được áp dụng tự động trong trường hợp hai bên doanh nghiệp đối tác đến từ các nước thành viên của CISG. 

Nguồn: Báo Hải quan