Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP"

11/01/2017    952

Lời mở đầu

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Sau hơn 05 năm đàm phán, Hiệp định này đã hoàn tất đàm phán cuối năm 2015, được ký chính thức đầu năm 2016 và dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng năm 2018.

Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, TPP chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Văn kiện đàm phán đầy đủ của TPP bao gồm 30 Chương, với gần 6.000 trang văn bản (tiếng Anh), cho thấy đây là Hiệp định có khối lượng các cam kết lớn nhất, phức tạp nhất mà Việt Nam từng có cho tới thời điểm hiện tại. Việc tìm hiểu và tận dụng được các cam kết này là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả Hiệp định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Trung tâm WTO và Hội nhập) đã tiến hành biên soạn cuốn "Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”.

Đây là tài liệu tóm tắt các nội dung cốt lõi của TPP, lựa chọn trong số các cam kết có tác động trực tiếp nhất và dự kiến có ảnh hưởng nhiều nhất tới lợi ích của doanh nghiệp. Cẩm nang diễn giải các cam kết theo cách thức ngắn gọn, dễ hiểu, với các đánh giá ban đầu về các tác động tới doanh nghiệp, cùng các lưu ý doanh nghiệp về những vấn đề cần quan tâm nhất, các công việc chuẩn bị cần tập trung nhất.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế, và các Ông Bà Trưởng các Nhóm đàm phán TPP thuộc các Bộ ngành về những tư vấn quý báu, những góp ý chuyên sâu cho nội dung của Cẩm nang này. Chân thành cảm ơn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho những khích lệ, động viên và bình luận sâu sắc của Bà trong suốt quá trình soạn thảo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn Sáng kiến Phát triển Khu vực Tư nhân vùng Mekong (MBI) do Chính phủ Úc tài trợ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thực hiện, đã hỗ trợ thực hiện Cẩm nang này.

Xin vui lòng tải bản tóm lược tại đây: