Việt Nam tham gia Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) – Lợi ích và Hạn chế

15/07/2013    2606

 

Nhóm nghiên cứu: Nguyễn Trung Nam (LLM, MBA) (nhóm trưởng); Nguyễn Mai Phương (LLM, MBA); Trần Hà Giang; Trần Quốc Huy

Giới thiệu chung về Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Lịch sử hình thành

Năm 1965, Liên Hiệp Quốc lập ra Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương Mại Quốc tế (“UNCITRAL”) với mục đích lập ra hệ thống luật chung cho các hợp đồng mua bán quốc tế. Công ước này được đóng góp và bổ sung bởi các học viện, tổ chức, thương nhân, nhà ngoại giao và luật sư từ hơn 61 quốc gia đại diện những quy phạm pháp luật khác nhau. UNCITRAL nhất trí phê duyệt dự thảo và trình lên Hội đồng Liên Hiệp quốc. CISG được phê duyệt chính thức năm 1980 tại Viên và được dịch sang 6 ngôn ngữ: tiếng Ả Rập, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Hiện nay, Công ước Viên là một trong những công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất, với 74 thành viên (tính đến ngày 11/4/2010/) ước tính CISG điều chỉnh khoảng 80% giao dịch thương mại quốc tế.

Nội dung chính của Công ước

 
Công ước Viên 1980 (“CISG”) được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu những xung đột trong các giao dịch thương mại quốc tế nhờ đưa ra một khung pháp lý thống nhất, có thể áp dung tại mọi quốc gia không phân biệt trình độ phát triển kinh tế. Đối tượng áp dụng của Công ước là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau là thành viên của công ước và một số trường hợp mua bán hàng hóa quốc tế khác.


Về vấn đề xác lập hợp đồng mua bán, CISG thừa nhận quy tắc Đề Nghị – Chấp Nhận (offer-acceptance rule). Công ước quy định một thư chào giá phải được gửi đến một người cụ thể và miêu tả đầy đủ về hàng hóa, số lượng, giá cả và những ràng buộc liên quan. Thư chào hàng có thể được thu hồi nếu thư thu hồi đến khách hàng trước hoặc cùng lúc với thư chào hàng, hoặc trước khi khách hàng gửi lại thư chấp thuận. Bất kỳ sự thay đổi nào với thư chào hàng gốc đều được xem như sự từ chối thư chào hàng trừ phi các điều khoản sửa chữa không làm thay đổi những điều khoản thiết yếu của thư chào hàng.


Về các điều khoản hợp đồng, CISG quy định nghĩa vụ và trách nhiệm về rủi ro hàng hóa của người mua và người bán:


−     Người bán có nghĩa vụ giao hàng và các văn bản liên quan theo như hợp đồng, không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền hạn hay yêu sách nào của người thứ ba trừ trường hợp người mua đồng ý nhận loại hàng bị ràng buộc vào quyền hạn và yêu sách như vậy.  


−     Người mua phải thực hiện các thủ tục nhận hàng và thanh toán tiền hàng.


Đồng thời, CISG cũng đưa ra các biện pháp bảo hộ pháp lý trong trường hợp người mua vi phạm hợp đồng và quy định rõ khì nào Công ước được áp dụng và việc áp dụng Công ước cho những hoạt động mua bán quốc tế khi hai nước liên quan có pháp luật tương tự nhau về chủ thể.


Ý nghĩa của CISG đối với xu hướng thống nhất luật pháp quốc tế về hợp đồng mua bán hàng hóa

 
Thống nhất và hài hòa hóa luật pháp quốc tế về hợp đồng thương mại là một xu hướng phát triển tất yếu của thương mại quốc tế. Thương mại quốc tế hiện nay đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế. Việc giảm thiểu chi phí giao dịch quốc tế là một mục tiêu quan trọng của tất cả các chính phủ cũng như các doanh nghiệp, trong đó một biện pháp hữu hiệu là đơn giản hóa giao thương quốc tế bằng cách xóa bỏ các rào cản pháp lý và tăng cường tính ổn định pháp luật của giao dịch quốc tế. Để thực hiện điều này, việc tạo ra một bộ luật thương mại quốc tế thống nhất trong khuôn khổ CISG mang lại rất nhiều lợi ích không cần phải bàn cãi. Như giáo sư Hackney đã nhận xét:


“…nhờ đó doanh nhân sẽ không phải lo lắng về những hệ thống pháp lý nước ngoài, vì chỉ có một hệ thống chung mà cả thế giới thương mại sử dụng. Điều này giảm thiểu rủi ro pháp lý thường gặp trong thương mại quốc tế và tăng lợi ích giao dịch thương mại chung.”


Trong số các nỗ lực thống nhất luật pháp hợp đồng quốc tế, Công ước Viên được đánh giá là hết sức thành công, bởi ngôn ngữ luật chung, quy mô và tính chất áp dụng bắt buộc của nó. Ý nghĩa của CISG được thể hiện ở những khía cạnh sau:


Thứ nhất, so với các công ước đa phương khác về mua bán hàng hóa (như các công ước Hague 1964) CISG là Công ước quốc tế có quy mô lớn hơn hẳn về số quốc gia tham gia và mức độ được áp dụng. CISG cũng trở thành nguồn luật trong nước của rất nhiều quốc gia.


Thứ hai, CISG được đánh giá là ông tổ của Các nguyên tắc UNIDROIT hay Các nguyên tắc của Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL). Trên cơ sở nền tảng của CISG, Các nguyên tắc này đã trở thành một nguồn luật quốc tế quan trọng, được nhiều quốc gia và doanh nhân sử dụng trong thương mại giao dịch quốc tế.


Thứ ba, CISG cũng được khuyến khích áp dụng cho các giao dịch không thuộc khuôn khổ CISG như một Lex Mercatoria. Nhiều doanh nhân các nước đã tự nguyện áp dụng áp dụng CISG cho các giao dịch thương mại quốc tế của mình mặc dù các giao dịch này không thuộc phạm vi áp dụng của Công ước.

Tải toàn bộ Nghiên cứu dưới đây: