Hội nhập AEC: Nâng cao năng lực cạnh tranh - nhiệm vụ “sống còn” của Doanh nghiệp Việt!

17/03/2016    275

Thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến từ sự cạnh tranh toàn diện, nghĩa là cạnh tranh không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn trên thị trường trong nước, không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp đến từ ASEAN mà còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp các nước ASEAN+ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức hình thành (31/12/2015), nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam cần thay đổi lớn về tư duy trong hội nhập. Muốn thâm nhập thị trường ASEAN, trước tiên các DN Việt Nam phải làm sao có chỗ đứng, tồn tại và phát triển trên thị trường Việt, trở thành đối tác thay vì đối thủ, tăng sức cạnh tranh, từng bước bước vào thị trường ASEAN, từ đó vững bước đi vào các thị trường lớn hơn.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, khi vào AEC, việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt là điều không thể thiếu nếu như Việt Nam muốn hội nhập thành công. Bởi khi hội nhập, sự cạnh tranh không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có kỹ năng của các nước ASEAN.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, mức độ cạnh tranh khá khốc liệt khi hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với hàng hóa và dịch vụ trong nước. Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính tương đồng cao với các nước trong khu vực, dẫn đến tính loại trừ rất cao. Chưa kể, các DN của các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN+ có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và đặc biệt họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.

Trong bối cảnh hội nhập là điều không tránh khỏi và đang đến rất gần, việc nhận thức đúng về tầm ảnh hưởng của AEC là điều cần thiết nhất, vì chỉ có nhận thức đúng mới có hành động đúng. Vì thế, muốn hội nhập thành công thì một trong những vấn đề quan trọng là DN Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận thị trường ASEAN khi hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập Việt Nam sau khi vào AEC.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, qua điều tra cho thấy các doanh nghiệpkhông quan tâm đến thị trường ASEAN là vì tính loại trừ khiến DN nghĩ rằng họ ít được hưởng lợi nhờ hội nhập AEC. Tiếp theo đó là phải đổi mới tư duy về hội nhập AEC của doanh nghiệp. Cần xem tính loại trừ là động lực để DN đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời cần xem hội nhập AEC là phương pháp quan trọng để nâng cao tính độc lập của nền kinh tế thông qua việc đa dạng hóa thị trường, đối tác để không quá lệ thuộc vào một thị trường, đây là điều hết sức quan trọng.

Muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN, doanh nghiệp Việt không có cách nào khác là phải thâm nhập thông qua sự khác biệt của hàng hóa dịch vụ, có nghĩa là phải thâm nhập thị trường ngách. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia thị trường ngách là cách thức để doanh nghiệp Việt không phải đối đầu trực diện với DN nước ngoài, đồng thời có thể khai thác được các thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao để có chỗ đứng, tồn tại và phát triển trên sân nhà, theo đó các doanh nghiệp cần trở thành đối tác của nhau thay vì đối thủ. Phục vụ tốt thị trường Việt Nam chính là bước đầu tăng năng lực trình độ, từng bước bước vào thị trường ASEAN, từ đó vững bước đi vào các thị trường lớn hơn. Từ đó có thể thấy rằng, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ “sống còn” của doanh nghiệp Việt khi hội nhập.

Nguồn: Doanh nghiệp Việt Nam