Báo cáo Nghiên cứu "Sử dụng các công cụ Phòng vệ Thương mại trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTAs và AEC"

19/10/2015    997

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt với việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) quan trọng với nhiều đối tác thương mại lớn và mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Với cac FTAs và AEC này, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi phải mở rộng cánh cửa cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt thông qua việc cắt giảm, loại bỏ thuế quan, đặc biệt từ sau 2015.

Trên thực tế, ngay cả với những cam kết mở cửa đã có, cánh cửa vào thị trường Việt Nam đã được mở ra khá rộng cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Cùng với đó cũng xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Trong khi các nước khác trên thế giới từ lâu đã biết tới các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) - chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, và sử dụng hiệu quả để bảo vệ các doanh nghiệp của mình khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, thì ở Việt Nam các công cụ này dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ (với chỉ 4 vụ tính tới tháng 10/2015).

Vì vậy, cần thiết phải có một nghiên cứu bài bản và đầy đủ về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các biện pháp PVTM ở Việt Nam. Nghiên cứu này sẽ là cơ sở để triển khai trên thực tế những hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tận dụng hiệu quả các công cụ hợp pháp này trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và rộng trong thời gian tới.

Nghiên cứu hướng tới các mục tiêu (i) Xây dụng bức tranh tổng quan tình hình và hiệu quả sử dụng các công cụ PVTM của doanh nghiệp Việt nam từ trước tới nay; (ii) Đánh giá thực chất về nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu từ các FTAs hiện đang đàm phán và AEC tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới; (iii) Xác định đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng các công cụ này chưa hiệu quả; và (iv) Đề xuất các giải pháp cụ thể, hợp lý và khả thi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ PVTM cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ một phần của Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng cua Việt Nam đến năm 2020” (CEFIIV) của Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNDP.

Download bản nghiên cứu đầy đủ tại đây: